Gia nhập “câu lạc bộ tỷ đô”
Năm 2023 là năm Thái Bình ghi dấu ấn “lịch sử” khi chứng kiến làn sóng thu hút đầu tư chưa từng có đổ về với “quê hương năm tấn”. Nếu như giai đoạn từ năm 1987 (thời điểm lần đầu tiên Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành) đến năm 2020, tổng thu hút FDI của tỉnh chỉ đạt gần 800 triệu USD thì từ năm 2021 đến nay, tổng thu hút FDI của tỉnh đạt 4,1 tỷ USD, trong đó riêng năm 2023 đạt gần 3 tỷ USD, gấp gần 4,4 lần so với năm 2022. Những con số này đã đưa Thái Bình sánh ngang cùng TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang lọt ‘top’ 5 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước vào năm 2023.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình luôn tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư đến với Thái Bình |
Để có được bứt phá ấn tượng đó, riêng trong năm 2023, Thái Bình đã thu hút được nhiều dự án lớn như dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 212 triệu USD; dự án nhà máy Pegavision Việt Nam sản xuất kính áp tròng cho Công ty Pegavision Corporation với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất rượu Soju tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD; dự án đầu tư sản xuất các cổng chuyển đổi, thiết bị kết nối, thiết bị vi tính với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD của Công ty TNHH Goodway Cayman và dự án nhà máy tập trung sản xuất, gia công đèn LED các loại và linh kiện của đèn LED với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD của Công ty TNHH Longstar Lighting Hạ Môn...
Mới đây nhất, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản), trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình cho liên danh Công ty Tokyo Gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden (Nhật Bản) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam. Đây là dự án có quy mô lớn với công suất 1.500MW, tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Dự án có ý nghĩa quan trọng, khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, nâng cao quy mô nền kinh tế cũng như vị thế của tỉnh, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Tiếp nối những thành quả này, báo cáo tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình thảo luận, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 diễn ra ngày 4/7, lãnh đạo tỉnh Thái Bình thông tin, 6 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn song kinh tế của tỉnh Thái Bình tiếp tục duy trì phát triển với tốc độ tăng trưởng đạt 7,96% xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố. Tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh, xúc tiến đầu tư và một số hoạt động quan trọng tạo khí thế sôi nổi ngay từ đầu năm, nâng cao nhận thức về tầm nhìn và mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới. Thu hút đầu tư đạt kết quả tốt, thu hút vốn đầu tư đạt 7.769,9 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2023.
Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến với Thái Bình |
Đáng chú ý, bên cạnh sự phát triển ổn định của ngành nông nghiệp với tăng trưởng 1,82%, ngành công nghiệp đạt tăng trưởng cao với mức 17,42%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2024 cho thấy, có 92,68% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn và ổn định so với quý I. Tính đến ngày 19/6/2024, toàn tỉnh Thái Bình đã cấp 589 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 5.809,6 tỷ đồng; có 178 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời gian phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh do gặp khó khăn. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ có mức tăng trưởng khá, đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 39.100 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 2.200 triệu USD, tăng 7,1%; Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 13.925 tỷ đồng, đạt 71,4% so với dự toán và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Phát huy lợi thế, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức
Để có những thành quả này, không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây Thái Bình đã trở thành điểm sáng trong công tác thu hút đầu tư, là địa chỉ tin cậy được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn. Với phương châm coi việc của nhà đầu tư là việc của tỉnh; luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện dự án cũng như trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Thái Bình đã quyết liệt xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng liên tục tổ chức các hoạt động ẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư tại nước ngoài. Bằng chứng là việc, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã trực tiếp đến các địa phương trong và ngoài nước để quảng bá, kêu gọi đầu tư, tạo niềm tin cho cho các doanh nghiệp về với Thái Bình. Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Cùng với đó, tỉnh Thái Bình từng bước quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội nhằm tạo ra môi trường sống tốt nhất để thu hút người lao động, chuyên gia đến làm việc và sinh sống lâu dài tại ‘quê hương năm tấn’’.
Thái Bình liên tục tổ chức các hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác là minh chứng cho tiềm năng, lợi thế của "quê hương năm tấn" trong thu hút đầu tư |
Không bằng lòng với kết quả đạt được, với mong muốn tiếp tục đưa Thái Bình vững bước đi lên, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho rằng những kết quả đó vẫn chưa đạt so với chỉ tiêu, kỳ vọng cũng như tiềm năng; đặc biệt là khó khăn trong sản xuất công nghiệp; sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định nhưng chưa tạo ra đột phá mới, giá trị mới như mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; lĩnh vực thương mại, dịch vụ chưa khởi sắc; thu hút đầu tư nước ngoài chưa đạt như kỳ vọng… Đây là những vấn đề cần tập trung khắc phục trong thời gian tới nhằm hướng tới hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế trong đó có thu hút đầu tư. Những tồn tại, hạn chế này nếu không tìm cách hóa giải sẽ là “trở lực” trong việc thu hút các nhà đầu tư về với Thái Bình.
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho rằng, các cấp, các ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho phục hồi và phát triển sản xuất; phải tháo gỡ thực chất các khó khăn cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất về: thủ tục hành chính, các vấn đề vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường, các điều kiện về hạ tầng phục vụ sản xuất. Tập trung giải quyết nhanh gọn, kịp thời các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các dự án đầu tư mới, nhất là các dự án đã có kế hoạch đưa vào hoạt động, sản xuất trong nửa cuối năm 2024 nhằm giúp các cơ sở sản xuất mới đi vào hoạt động, tạo giá trị mới đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cũng yêu cầu UBND tỉnh có chỉ đạo cụ thể cho các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho các dự án này. Khắc phục ngay các hạn chế, tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng; đặc biệt là tình trạng đình trệ và chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương trong thời gian qua. Tập trung giải phóng mặt bằng dứt điểm các dự án, công trình trọng điểm; các dự án đã và đang triển khai ở các địa phương; các dự án đã có chương trình, kế hoạch đầu tư; có kế hoạch giao đất.
Trong tháng 7/2024, huyện Thái Thụy phải giải quyết dứt điểm những tồn tại trong giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Liên Hà Thái để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới. Cùng với đó, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên tinh thần Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Bình cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, các cơ chế, chính sách của tỉnh; đồng thời tập trung triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách bảo đảm phát huy hiệu quả trong thực tiễn, tạo ra động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Với những chính sách không còn phù hợp hoặc không phát huy tác dụng thì kịp thời trình cấp có thẩm quyền để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện cũng như xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ trong đó có thu hút đầu tư.