Sau một thời gian liên tục điều chỉnh giảm, thời gian gần đây, lãi suất huy động ở một số ngân hàng bất ngờ tăng trở lại. Nguyên nhân do các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay, trong khi nguồn vốn huy động tăng trưởng chậm. Điều này đang buộc các ngân hàng nhảy vào cuộc đua huy động vốn để tăng tính thanh khoản.
Đua nhau tăng lãi suất
Nhìn chung, các ngân hàng thương mại (NHTM) phần lớn tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,5%/năm ở các kỳ hạn. Tại NH Quân đội (MB), lãi suất huy động đã được điều chỉnh từ đầu tháng 6 tăng từ 0,1 - 0,2%/năm. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 - 8 tháng hiện đang ở mức 5,2%/năm, cao hơn so với mức 5%/năm trước đó, còn kỳ hạn 3 tháng 4,8%/năm, cao hơn mức 4,6%/năm trước đó. Tương tự, NH Á Châu (ACB) cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động lên 0,2%, nâng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài: 12, 24 và 36 tháng lần lượt ở mức 6,2%, 6,5% và 6,7%.
Còn NH Đông Á (DongAbank), mức điều chỉnh lãi suất tăng cao hơn, từ 0,2 - 0,4%/năm. Cụ thể, kỳ hạn 9 tháng lãi suất tăng từ 5,6% lên 6%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 5,3% lên 5,5%/năm; các kỳ hạn thấp hơn cũng tăng nhẹ. Tại NH Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,7%/năm lên 5%/năm và tăng mạnh nhất là kỳ hạn 12 tháng, từ 6,5%/năm lên 7%/năm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết không chỉ các NHTM cổ phần mà ngay cả NHTM có vốn nhà nước hiện nay cũng không đứng ngoài cuộc đua lãi suất. Tại Agribank, kỳ hạn 18 và 24 tháng lãi suất huy động tăng lần lượt là 6,5% và 6,8%/năm, tăng 0,3% và 0,5% so với trước đó. Tại NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng là 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 5%/năm và kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,5%/năm, tăng từ 0,2 - 0,5%/năm so với trước đây.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân lãi suất tăng là do lãi suất huy động đang chạm đáy, mặt khác các NH đang đẩy mạnh cho vay trong khi nguồn vốn huy động chậm lại. Ngoài ra, thời gian gần đây, các phiên đấu thầu trái phiếu liên tục thất bại, điều này cho thấy các NH không còn mặn mà với trái phiếu kỳ hạn dài và lãi suất thấp. Báo cáo tài chính của các NH trong quý I cho thấy, nợ xấu tại nhiều NH đang tăng mạnh, đặc biệt sau ngày 1/4/2015, thời điểm Quyết định 780/QĐ-NHNN cho phép các NHTM gia hạn nợ, giãn nợ hết hiệu lực. Cùng với đó, các NH cũng phải tăng cường bán nợ xấu cho VAMC, do đó thanh khoản sẽ bị ảnh hưởng. Để tăng cường thanh khoản, các NH buộc phải tăng huy động vốn.
Áp lực đè lãi suất cho vay
Thực tế cho thấy, các NH huy động kỳ hạn ngắn chiếm gần 70% tổng số vốn huy động. Trong khi đó, dư nợ trung và dài hạn chiếm 53 - 55% tổng dư nợ. Với mức chênh lệch khá lớn này, để đảm bảo tính thanh khoản và tăng hệ số rủi ro buộc các NHTM điều chỉnh lãi suất tăng nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động vốn và cho vay.
Tuy nhiên, trước việc các NH tăng lãi suất huy động, nhiều doanh nghiệp (DN) và khách hàng cá nhân lo ngại khi phải đối mặt với áp lực lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo, điều này cũng ảnh hưởng đến đà phục hồi của nền kinh tế. Bởi thông thường, lãi suất cho vay ưu đãi chỉ áp dụng cho 1 - 2 năm đầu, thường các năm tiếp theo sẽ tính theo lãi suất thả nổi, đặc biệt là những khách hàng đã vay trong năm 2014 và hiện đến thời kỳ điều chỉnh lãi suất.
Trong khi đó, phần lớn DN nhỏ và vừa trong nước sử dụng đòn bẩy tài chính (vay nợ NH) rất cao nên lãi suất cho vay dù chỉ biến động thêm 0,5 - 1%/năm cũng gây áp lực không nhỏ, nhất là trong thời điểm cạnh tranh gay gắt, đầu ra khó khăn, những DN có tỉ lệ nợ vay lớn với lãi suất 9 - 10%/năm vẫn là gánh nặng. Ngoài ra, việc tăng lãi suất đang đi ngược mong muốn của cộng đồng DN và phục hồi nền kinh tế của Chính phủ. Bởi ngay từ đầu năm, NHNN cho biết trong năm nay sẽ cố gắng giảm lãi suất cho vay dài hạn thêm 1 - 1,5%/năm để hỗ trợ DN, nhưng thực tế lại khác.
Một số NH khác thì ý kiến ngược lại, lãi suất cho vay không bị ảnh hưởng lớn bởi chỉ tăng ở các kỳ hạn ngắn. Nếu lãi suất tăng do dòng tiền đổ mạnh vào những tài sản có tính đầu cơ như bất động sản, chứng khoán hoặc dùng để nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Ngược lại, nếu lãi suất tăng nhưng dòng vốn vẫn đổ vào sản xuất, nền kinh tế sẽ tiếp tục duy trì được đà phục hồi. Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng dẫn chứng, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn từ 4,7 - 5,3%/năm (trước đây từ 4,5 - 5%/năm), thấp hơn trần cho phép của NHNN là 5,5%/năm. Chính vì vậy, việc lãi suất tăng chưa chắc ảnh hưởng đến đà phục hồi của nền kinh tế, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Thế nhưng, có một nghịch lí tại Việt Nam, đó là nếu lãi suất huy động giảm thì lãi vay giảm rất chậm, nhưng lãi huy động tăng thì lập tức lãi vay sẽ tăng rất nhanh. Vì vậy, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội DN vừa và nhỏ Việt Nam, kỳ vọng trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng sẽ chưa vội tăng lãi suất cho vay ít nhất là trong 6 tháng còn lại của năm.