Lợi ích mang lại từ TPP phải xét trong tầm trung hạn
Tin hoạt động 23/10/2015 14:39
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại hội nghị |
Vấn đề TPP mà Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ tại diễn đàn thực sự là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của đông đảo DN. Thứ trưởng cũng thông tin cho biết, không nhất thiết tất cả 12 nước tham gia TPP đều thông qua thì mới có hiệu lực. Nhằm đề phòng trường hợp Quốc hội một số nước không thông qua, các nước tham gia TPP đã thiết kế một điều khoản cho phép các nước còn lại được tiếp tục hiệp định khi tổng GDP của các nước còn lại tham gia TPP vượt ngưỡng nhất định thì TPP sẽ được thông qua.
Trở lại vấn đề cơ hội mà TPP mang lại, theo Thứ trưởng, cơ hội không đến ngay lập tức bởi phải mất 1,5 - 2 năm nữa TPP mới được thông qua và nhiều cam kết TPP đều phải thực hiện theo lộ trình. Cho nên lợi ích mang lại phải xét trong bối cảnh trung hạn từ 4 - 5 năm. Vì thế chúng ta cần bình tĩnh trước các cơ hội, xem xét ngành nào chịu tác động, DN nào sẽ ảnh hưởng. Ngoài ra, cơ hội từ TPP chỉ biến thành hiện thực nếu chúng ta có năng lực nắm bắt và đổi mới tư duy. Nhà đầu tư muốn vào Việt Nam sẽ nhìn nhận ở tầm vĩ mô trong việc đầu tư của Chính phủ về cơ sở hạ tầng đường sá, cầu cảng, sân bay… và hạ tầng phần “mềm” là chất lượng lao động, bộ máy hành chính cần được cải thiện. Ở khu vực DN cần đổi mới tư duy, cần cạnh tranh bằng năng lực, uy tín thay vì cạnh tranh bằng giá…
Liên quan đến DN nhất là các DN vừa và nhỏ của Việt Nam khi tham gia TPP, Thứ trưởng cho rằng trong bất kỳ nền kinh tế nào cũng luôn có sự phân công giữa các DN lớn và nhỏ. Vì thế tùy vào khả năng của mình các DN sẽ thực hiện các công đoạn khác nhau, chia sẻ, liên kết với nhau để phát huy được hết thế mạnh của mình, khai thác các cơ hội mang lại.
Đánh giá về vấn đề đầu tư vào đâu trên thị trường chứng khoán năm 2016, theo Thứ trưởng, đối với lĩnh vực bất động sản và thị trường chứng khoán, TPP không mang lại tác động mạnh mẽ như khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007. Bởi dòng vốn đầu tư gián tiếp có xu hướng ra đi khỏi các thị trường mới nổi, dòng vốn này sẽ không hướng vào bất động sản, chứng khoán mà thay vào đó sẽ thu hút bằng các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A).
Trước vấn đề Chính phủ đã chuẩn bị những gì nhằm nắm bắt cơ hội từ TPP, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ, từ năm 2010 chúng ta đã có sự cơ cấu chọn đối tác thương mại nhằm hỗ trợ tốt nhất, mang lại hiệu ứng cao nhất cho nền kinh tế Việt Nam, cân đối lại các thị trường xuất khẩu tiềm năng… Chính phủ đã thực hiện các chương trình tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng, DN nhà nước, minh bạch hóa hoạt động DN nhà nước, cải cách môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi… tất cả những việc làm hiệu quả này của Chính phủ thời gian qua cũng đã đi cùng chiều với các cam kết trong TPP.