CôngThương - Nhưng nếu phân tích kỹ, một số sản phẩm được giá còn vì những cạnh tranh không lành mạnh từ một số doanh nghiệp nước ngoài.
Cạnh tranh không lành mạnh
“Chúng tôi đang rất rối!”, ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), kiêm Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, kết luận như vậy khi nói về tình trạng mua mía nguyên liệu của các nhà máy trong niên vụ này. Dù nhiều lần kiến nghị đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), và không ít lần đại diện mười nhà máy trong vùng ĐBSCL ngồi lại với nhau, nhưng tình trạng tranh mua mía nguyên liệu vẫn không thể chấm dứt.
Mới đây, ngày 15-12, ông Trịnh Minh Châu, Trưởng chi hội vùng ĐBSCL (thuộc Hiệp hội Mía đường Việt Nam), đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT về một trong các trường hợp “xé rào” mua mía ở vùng nguyên liệu của các nhà máy khác.
Công văn nêu rõ, theo cam kết thì các nhà máy vùng ĐBSCL phải chủ động nguồn mía tại địa phương khoảng hai phần ba công suất ép, tức chỉ mua ở ngoài địa phương khoảng một phần ba. Nhưng từ khi khởi đầu niên vụ mía đến nay (khoảng cuối tháng 9-2010), Công ty cổ phần Nivl (Long An) lại chủ yếu khai thác nguồn nguyên liệu từ Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tây Ninh...
Theo ông Châu, nhằm bảo đảm chất lượng mía cũng như quyền lợi của nông dân, các nhà máy đã thống nhất ngày bắt đầu vận hành, sản xuất niên vụ mới, nhưng Công ty Nivl vẫn khởi động sớm hơn mười ngày. Lúc đó, mía ở khu vực Hậu Giang, Sóc Trăng... chưa đến kỳ thu hoạch, chất lượng thấp, chỉ đạt từ 7-7,5 chữ đường, nhưng công ty này vẫn mua ào ạt.
Nông dân kẹt nợ nần, tiền sinh sống hàng ngày cứ thấy ai mua là bán, đâu dè thiệt hại lại rơi vào phần mình. Bởi nếu neo mía khoảng 15 ngày sau, mía đạt chữ đường cao hơn, đương nhiên tiền bán mía cao, tức lợi nhuận cũng cao hơn.
Và theo ông Châu, Công ty Nivl còn mua giá cao hơn từ 80-100 đồng/ki lô gam để kéo mía từ các địa phương khác về mình, trong khi mua mía tại “sân nhà” là Long An với giá rất thấp để bù lại.
Còn theo ông Võ Văn Sơn, Phó tổng giám đốc Casuco, công ty này còn áp dụng hình thức mua mía “xô” với giá cao, tức không cần phân loại chữ đường, nên nông dân rất thích bán cho các vệ tinh của công ty này.
Lợi một ít, thiệt đủ đường
Việc Công ty Nivl mua mía “xô” giá cao khiến các nhà máy còn lại trong khu vực phải nâng giá theo. Thực tế, niên vụ mía này, giá nguyên liệu ở mức ngất ngưởng, có lúc lên đến 1.300 đồng/ki lô gam và hiện cũng đang “neo” ở mức cao, 1.200 đồng/ki lô gam, cao nhất so với cả nước. Nhờ vậy, có nông dân trồng mía vụ này đạt lợi nhuận đến 60% trên doanh thu!
Nhưng theo một chuyên gia ngành đường, tuy khó thấy hơn nhưng cái hại lại không nhỏ. Trước mắt, các nhà máy còn lại sẽ bị xáo trộn kế hoạch sản xuất do thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Hơn nữa, do phải nâng giá mua, để bảo đảm lợi nhuận, các nhà máy buộc phải nâng giá bán đường. Hiện tại, giá bán sỉ tại nhà máy của Casuco là 18.900 đồng/ki lô gam đường, và theo một chuyên gia ngành đường, mức ấy cao hơn giá thế giới. Và để đường đến tay người tiêu dùng, phải qua ít nhất một tầng trung gian nữa. Một điều có thể khẳng định là người tiêu dùng trong nước bị thiệt thòi khi phải sử dụng đường với giá cao hơn giá thế giới.
Một chuyên gia ngành đường cho rằng, nạn nhân của tình trạng này sẽ là chính ngành đường Việt Nam. Nông dân trồng mía sẽ không chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu, không quan tâm chất lượng, bởi trồng mía xấu hay tốt thì cũng có người mua “xô” hết! Còn các nhà máy sẽ nản lòng với việc tự đầu tư vùng nguyên liệu, vì tiền bỏ ra nhưng mía thì người khác tranh mua.
Chuyện không chỉ của ngành đường
Cũng từ câu chuyện của ngành đường, có thể điểm lại chuyện các thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam mua tôm. Theo các doanh nghiệp Việt Nam, các thương nhân Trung Quốc không đặt nặng chất lượng, lại mua với giá cao... nên nhiều đại lý rất thích bán cho họ. Năm nay, lượng tôm bán cho các thương nhân Trung Quốc khá lớn và đó cũng là một trong các nguyên nhân đẩy giá tôm nguyên liệu lên hơn 200.000 đồng/ki lô gam vào những tháng cuối năm. Rõ ràng, người nuôi tôm, tức nông dân Việt Nam cũng hưởng lợi.
Thậm chí, một lãnh đạo Bộ NN&PTNT còn cho rằng, nếu giá các thương nhân Trung Quốc mua cao, có lợi cho nông dân Việt Nam là điều tốt! Nhưng đó chỉ là cái lợi trước mắt. Bởi về lâu về dài, chính nông dân Việt Nam sẽ tự đánh mất mình, sản xuất mà không cần quan tâm chất lượng, bởi sản phẩm như thế nào cũng có người mua với giá cao. Và bên thiệt thứ hai, chính là các nhà máy chế biến, phải rối rắm vì thiếu nguyên liệu, giảm lợi nhuận... và đương nhiên, không ít quy hoạch vùng nguyên liệu và cả hệ thống nhà máy chế biến của họ sẽ bị phá vỡ, khi nông dân vì lợi nhuận trước mắt phá vỡ hợp đồng, vùng nguyên liệu thiếu ổn định...
Những chuyện như vậy, các nhà máy đường, chế biến tôm... không thể tự giải quyết mà cần có sự chung tay của các bộ ngành, bởi nó ảnh hưởng đến cả nền kinh tế Việt Nam.
TBKTSG