Sau hơn 70 năm phát triển, cà phê Sơn La từ loại cây giảm nghèo đã trở thành thương hiệu vươn tầm thế giới khi xuất khẩu đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. |
Cây giảm nghèo trên vùng đất khó |
Sơn La là một trong những tỉnh nghèo, đồng bào dân tộc Thái chiếm phần lớn tỷ lệ dân cư. Với khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, hệ thống núi non trùng điệp được bao quanh bởi các bồn địa, các cao nguyên, Sơn La là mảnh đất rất thích hợp để trồng và phát triển cây cà phê. Do đó, cách đây nhiều năm, Sơn La đã chọn cà phê là một trong những loại cây trồng giảm nghèo chủ lực của địa phương, chủ yếu là cà phê chè (cà phê Arabica). Arabica là loại cà phê được trồng phổ biến tại Brazil và các nước Nam Mỹ. Trong đó, Brazil là nước sản xuất cà phê Arabica lớn nhất thế giới. Mặc dù là nước sản xuất chủ yếu cà phê vối (cà phê Robusta), nhưng Việt Nam cũng là nơi có những loại cà phê Arabica thuộc loại ngon bậc nhất thế giới, được trồng ở các tỉnh: Lâm Đồng, Sơn La, Quảng Trị, Điện Biên. |
Có mặt tại mảnh đất Sơn La từ những năm 1945, sau hơn 70 năm, cây cà phê Arabica đã trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh này. Với diện tích trồng lớn, Sơn La là địa phương trồng cà phê Arabica lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau tỉnh Lâm Đồng. Cà phê Arabica Sơn La được trồng trên các sườn dốc dưới chân dãy núi thấp hoặc trên các đồi nông với độ cao từ 900m đến 1200m. Cà phê Arabica được đánh giá cao về chất lượng, phát triển ở điều kiện khác biệt nên mang hương vị tự nhiên. Sản phẩm chế biến từ cà phê Arabica được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, giá trị cao hơn cà phê Robusta được trồng chủ yếu tại Tây Nguyên. Ông Vương Văn Hải - Chủ tịch Hội cà phê tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La có diện tích cà phê trên 20.000ha, sản lượng hàng năm ước 40.000 - 50.000 tấn nhân, trị giá 4.500 - 5.000 tỷ đồng. Cà phê Sơn La là cây có thế mạnh, có tiềm năng lớn trong tỉnh, thu hút hàng vạn hộ nông dân, hàng chục doanh nghiệp, HTX và hàng trăm cơ sở thu gom, chế biến nhỏ. Diện tích, sản lượng cà phê chè (Arabica) lớn nhất cả nước. Cà phê chè (Arabica) là loại cà phê chất lượng cao, giá trị thường cao gấp 1,5 - 2 lần so cà phê Vối (Robusta). Việt Nam hiện có 95% là cà phê vối, chỉ có 5% là cà phê chè. Do vậy Cà phê Sơn La rất có giá trị. Sơn La cũng đã được cấp chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân sống; Cà phê hạt rang và Cà phê bột. |
Năm 2017, sản phẩm cà phê Arabica Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm được bảo hộ gồm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột; có 6 doanh nghiệp, HTX được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Sơn La có 6 doanh nghiệp, HTX sản xuất cà phê lớn trong tỉnh thì cả 6 đơn vị đều đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” và cả 6 đơn vị này (Minh Tiến; Cát Quế; Phúc Sinh; Minh Châu; Bích Thao; AraTay) đều tham gia chế biến sâu, sản xuất ra cà phê hạt rang, cà phê bột phục vụ tiêu dùng trong ngoài tỉnh. Tỷ lệ chế biến sâu trong tỉnh phục vụ tiêu dùng đạt 5% so 15% của cả nước. Tổng sản lượng cà phê nhân trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 29.649 tấn, tiêu thụ, xuất khẩu trên 95% còn lại khoảng 5% đưa vào các cơ sở chế biến cà phê rang, cà phê xay, cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê túi lọc, trà vỏ cà phê tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Sản lượng cà phê xuất khẩu năm 2022 đạt 30.500 tấn với giá trị trên 82,2 triệu USD (chiếm 37,6% tổng giá trị hàng nông sản tham gia xuất khẩu của tỉnh) tại Thị trường EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông và ASEAN. Cây cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp bà con xoá đói giảm nghèo và có thu nhập ổn định. |
Đẩy mạnh thu hút đầu tư |
Để phát triển cây cà phê, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào canh tác diện tích cà phê hiện có. Đến nay diện tích cà phê toàn tỉnh là 18.963 ha, tổng sản lượng quả tươi đạt 33.375 tấn, trong đó có 16.727 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương; 02 vùng trồng cà phê được UBND tỉnh công nhận vùng trồng ứng dụng công nghệ cao. Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh Sơn La đang tập trung rà soát, đánh giá lại tổng thể diện tích cây cà phê, từ đó tái canh cây cà phê bằng bộ giống mới, đặc biệt là tập trung giống cà phê cho ra sản phẩm chất lượng cao và cà phê đặc sản Sơn La. Đồng thời, tỉnh Sơn La tập trung sản xuất, chế biến, tiêu thụ và chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu cà phê ổn định trên thế giới; liên kết vùng trồng với các nhà máy chế biến; nông hộ, nông dân, HTX liên kết ký hợp đồng trồng và theo quy chuẩn. |
UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1887/QĐ-UBND ngày 12/9/2022 thành lập Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh; Tăng cường các giải pháp xử lý môi trường đối với các cơ sở sơ chế cà phê quy mô hộ gia đình, hướng dẫn, giao trách nhiệm cho UBND cấp xã giám sát hoạt động của các cơ sở sơ chế; các cơ sở đã đầu tư xây dựng các hồ chứa chất thải và bể biogas để thực hiện lưu giữ, xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chế biến. Các cơ sở chế biến cà phê đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và sử dụng hiệu quả các sản phẩm phụ để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ phát triển cây trồng như: Nhà máy chế biến cà phê Phúc Sinh, Cát Quế đã đầu tư thêm các hồ chứa nước thải; thu hút đầu tư mới Nhà máy phân bón Sông Lam tại Mai Sơn chế biến từ bã, vỏ cà phê. Cùng với quyết tâm của UBND tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực đầu tư công nghệ nhằm tăng cường chất lượng sản phẩm cà phê. Ông Nguyễn Xuân Thao - Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao Sơn La cho biết, nhận thấy vùng nguyên liệu cà phê trồng từ năm 1994 đã bị già cỗi, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; ngay từ khi thành lập, HTX đã đưa vào sản xuất giống mới và tập trung phát triển dòng cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản. Đến nay, HTX đã trồng được 150 ha cà phê đặc sản. Đồng thời, đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ. |
Hướng đi này là “đòn bẩy” giúp HTX có những sản phẩm chất lượng cao, như: cà phê bột nguyên chất, trà quả cà phê... Trong đó, cà phê bột nguyên chất của HTX Sông Thao là sản phẩm duy nhất của tỉnh thuộc top 20 sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Công ty CP Cà phê Phúc Sinh Sơn La cũng là 1 trong những đơn vị sản xuất cà phê chất lượng cao từ những hạt cà phê Arabica của Sơn La. Trung bình mỗi năm, công ty thu mua và chế biến khoảng 20.000 tấn cà phê tươi. Từ năm 2018 khi thành lập nhà máy, công ty đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu; thực hiện các chương trình liên kết với bà con nông hộ để xây dựng được vùng nguyên liệu; tư vấn, phát triển cho bà con về kỹ thuật canh tác... Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp (đang lựa chọn nhà đầu tư cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ tại Thành phố Sơn La) và thu hút các dự án chế biến cà phê vào trong khu, cụm công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh tính đến hết năm 2022 có 07 cơ sở sơ chế cà phê nhân theo quy mô công nghiệp bằng phương pháp ướt; tổng sản lượng các cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp đạt tỷ lệ khoảng 50% sản lượng cà phê quả tươi toàn tỉnh. Thời gian tới, tỉnh Sơn La tập trung phát triển dòng sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, nâng tầm thương hiệu và từng bước chiếm lĩnh thị trường tiềm năng trong nước, quốc tế... Mục tiêu xuất khẩu cà phê Sơn La hướng tới là thị trường các nước Châu Âu, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông và ASEAN. Năm 2023, sản phẩm cà phê Sơn La phấn đấu xuất khẩu đạt 31.500 tấn; giá trị đạt trên 83,1 triệu USD. Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, nông sản nói chung và nông sản của bà con vùng miền núi nói riêng luôn là sản phẩm ưu tiên của Bộ Công Thương trong công tác phát triển thị trường và xúc tiến thương mại. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp đã hỗ trợ, đồng hành với các địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang để có thể giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương ra nước ngoài. |
Thời gian tới, Bộ Công Thương và các Bộ ngành sẽ tiếp tục giành những sự quan tâm đặc biệt đến các địa phương khu vực miền núi để làm sao vừa phát triển những sản phẩm mang tính đặc thù và có những chương trình xúc tiến để giúp các địa phương xây dựng được hình ảnh, thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Ngoài ra, tận dụng được những lợi thế của 16 FTA đã ký kết. Bộ Công Thương đang tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tiến đến tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đây là giải pháp để giúp các địa phương miền núi có thể đưa các sản phẩm nông sản của mình ra thị trường nước ngoài dễ hơn. |
Tăng cường quảng bá thương hiệu cà phê Sơn La |
Để tăng cường quảng bá cho thương hiệu cà phê Sơn La, Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023 sẽ được tổ chức tại Thành phố Sơn La từ ngày 10/10 đến ngày 13/10/2023 với quy mô cấp tỉnh. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội với nhiều hoạt động, như: Hội chợ triển lãm “Cà phê Sơn La"; Hội thảo nâng cao chất lượng cà phê Sơn La; hội nghị kết nối giao thương sản phẩm cà phê; trưng bày ảnh đẹp về Cà phê Sơn La. Cùng với đó, sẽ diễn ra các hoạt động: Khánh thành các dự án đầu tư vào lĩnh vực cà phê; Hội thi nhà nông đua tài; đêm Gala cà phê; tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, khám phá tour du lịch cà phê... Ông Nguyễn Thành Công nhấn mạnh: Lễ hội cà phê Sơn La lần thứ nhất được tổ chức nhằm mục đích quảng bá thương hiệu cà phê Sơn La; là cơ hội để tỉnh Sơn La giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh; xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác của tỉnh. Sự kiện còn nhằm khẳng định vị thế cà phê Sơn La tại thị trường trong và ngoài nước; tôn vinh người trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê, động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hoá cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và Việt Nam nói chung. |
Đây là cơ hội giới thiệu hình ảnh đặc sắc về văn hoá cà phê, về con người các tiềm năng, thế mạnh và du lịch của tỉnh, tạo dựng hình ảnh Sơn La thân thiện, mến khách, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch đến Sơn La; đẩy mạnh phát triển sản xuất, kết nối cung cầu, đổi mới sáng tạo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương. |
Phương Lan - Linh Chi
|