Đa dạng hóa hình thức tiêu thụ, vải thiều Bắc Giang có vụ mùa “ngọt thơm” |
Năm nay, sản lượng vải thiều Bắc Giang tăng khoảng 20.000 tấn so với năm ngoái, tuy nhiên người trồng vải ở miền sơn cước này khá yên tâm với thị trường tiêu thụ. Quảng bá sâu rộng tại các thị trường Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định: Vải thiều là sản phẩm nổi tiếng của Bắc Giang, diện tích lớn nhất cả nước nên luôn được quan tâm, từ chỉ đạo sản xuất đến xúc tiến đều có sự đổi mới, thiết thực, hiệu quả, bằng nhiều hình thức ở cả trong nước, quốc tế. Bắc Giang luôn nhất quán, xuyên suốt từ chính quyền đến người dân trồng vải thiều: Lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có; bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc là yếu tố cốt lõi làm chỗ đứng bền vững. |
Số liệu của Sở Công Thương Bắc Giang cho thấy, năm 2023, toàn tỉnh có 29,7 nghìn ha trồng vải thiều. Sản lượng ước đạt hơn 180.000 tấn, tăng khoảng 20.000 tấn so với năm ngoái. Trong đó, diện tích trồng vải đạt tiêu chuẩn VietGAP là 15.600 ha với sản lượng ước đạt 115.000 tấn; tiêu chuẩn GlobalGAP 215 ha với sản lượng khoảng 2.500 tấn. Riêng vùng vải thiều huyện Lục Ngạn có hơn 17,3 nghìn ha, sản lượng vải toàn huyện ước đạt 98.000 tấn. Địa phương này đã số hóa các mã số vùng sản xuất vải, gắn với sổ nhật ký điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cụ thể, huyện có 88 mã số vùng trồng với diện tích 11.879 ha, gồm: Trung Quốc 35 mã; thị trường Mỹ, Úc, EU 19 mã; Nhật Bản 32 mã; Thái Lan 2 mã; quản lý chặt chẽ và duy trì 173 mã cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu. Với phương châm coi trọng tất cả thị trường, hướng tới người tiêu dùng được thưởng thức trái vải thiều ngon, chất lượng cao, sạch và an toàn nhất, ngay từ đầu vụ, tỉnh Bắc Giang đã triển khai công tác xúc tiến tiêu thụ, quảng bá sản phẩm như: Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với gần 80 điểm cầu trong và ngoài nước; tổ chức kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Đông… với sự tham gia của Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Thương vụ nhiều nước trên thế giới. |
Riêng thị trường nội địa, tỉnh sớm xây dựng kịch bản tiêu thụ thị trường với gần 100 triệu dân; các ngành, địa phương của tỉnh cũng sớm kết nối với những tập đoàn phân phối, chợ đầu mối, doanh nghiệp, thương nhân để bao tiêu, tiêu thụ vải thiều… Đặc biệt để phát huy tiềm năng, lợi thế vẻ đẹp riêng có của vùng đất Lục Ngạn khi bước vào mùa vải chín, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn đã nhanh nhạy chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh vải thiều gắn với khai thác phát triển du lịch nông nghiệp miệt vườn, sinh thái, trải nghiệm, du lịch văn hóa, cộng đồng. Tổ chức những sự kiện truyền thông, dịch vụ, du lịch hấp dẫn như: Chào bán toàn bộ cây vải trong một vụ cho khách hàng theo mô hình “Cây vải vườn nhà”; biểu diễn nghệ thuật tại vườn vải thiều; mở cửa vườn đón khách du lịch trải nghiệm và mua sản phẩm trực tiếp; liên kết với doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour tham quan, thưởng thức vải thiều… “Qua đó, thương hiệu vải thiều Bắc Giang đã được quảng bá sâu rộng tại các thị trường xa, thị trường mới, tiềm năng”, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết. |
“Phủ sóng” sàn thương mại điện tử Nhận thức rõ, bên cạnh kênh phân phối truyền thống thì việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp người trồng vải mở rộng thị trường tiêu thụ… Năm nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân đã chủ động đa dạng hóa kênh phân phối qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, nhằm mở ra cơ hội để loại quả đặc sản của tỉnh ngày càng vươn xa, nâng cao giá trị. Lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Giang cho biết thêm: Tỉnh đã đa dạng hóa các kênh phân phối, mua bán vải thiều cả phương thức truyền thống và hiện đại. Bên cạnh chợ, siêu thị, vải thiều cũng được phân phối qua các sàn thương mại điện tử trong nước như Voso; Postmart… và các sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba, Amazon. Là một trong những hợp tác xã đã mở rộng kênh bán vải thiều qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và bước đầu khá thành công, bà Hồ Kiều Oanh - Phó Giám đốc Hợp tác xã Lục Ngạn xanh (xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn) - cho biết: “Năm ngoái, ngoài bán hàng qua kênh truyền thống, chúng tôi bán được hơn 100 tấn vải tươi qua nền tảng trực tuyến tại các thị trường Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh... Vụ này, hợp tác xã có khoảng 300 tấn vải thiều, tiếp tục liên kết bán hàng trên mạng xã hội như zalo, facebook, Tiktok và các sàn thương mại điện tử FoodMap, GAPFood hay Lazada, Safefruits, dự kiến sản lượng bán qua đây sẽ tăng 10% với năm ngoái”. |
Trên địa bàn huyện Lục Ngạn nói riêng hiện có khá nhiều hợp tác xã đã mở rộng kênh bán vải thiều qua sàn thương mại điện tử, có thể kể đến như: Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch sinh thái Giáp Sơn, Hợp tác xã Nông sản sạch Bình Nguyên, Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Hoàng Vũ… Hầu hết các hợp tác xã đều in ấn bao bì để phục vụ đóng gói sản phẩm. Trên bao bì sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể xem nhật ký điện tử về quá trình chăm sóc, thu hoạch vải thiều của hợp tác xã bằng cách quét mã vạch và hợp đồng vận chuyển với một số đơn vị uy tín như VNPost, Viettel Post, các hãng hàng không… Đánh giá về lợi ích khi bán hàng trên mạng xã hội, đại diện các đơn vị đều cho rằng, người tiêu dùng dễ tiếp cận được sản phẩm, đặc biệt là giới trẻ. Do vải thiều là sản phẩm khá nhạy cảm với thời tiết nắng nóng, nếu không được đóng gói, vận chuyển nhanh, cẩn thận thì dễ bị dập vỡ, mã xấu, ảnh hưởng đến chất lượng khi đến tay khách hàng. Đây là những hạn chế đòi hỏi các hợp tác xã, đơn vị vận chuyển, cũng như hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị cần đặc biệt quan tâm khắc phục. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số là một trong những giải pháp hiệu quả bên cạnh kênh phân phối truyền thống, giúp người trồng vải mở rộng thị trường tiêu thụ. |
Xuất khẩu vải thiều bằng đường sắt: Hướng đi mới cho nông sản Thực hiện chủ trương đa dạng hóa thị trường, đổi mới phương thức tiêu thụ, tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn – khu vực trồng vải thiều nhiều nhất cả nước đã sớm chủ động triển khai đến các doanh nghiệp, hợp tác xã về việc tổ chức thí điểm vận chuyển, xuất khẩu vải thiều qua đường sắt. Kết quả của quá trình này là chuyến tàu 3 toa hàng với 56 tấn vải thiều Lục Ngạn tươi đầu tiên vừa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc tại ga Kép, Bắc Giang. Sự kiện mở ra một kênh vận tải mới, hướng đi mới cho doanh nghiệp, thương nhân và người sản xuất vải thiều. Tính toán sơ bộ, với 1 container hàng được bảo quản lạnh vận chuyển từ Lục Ngạn đi Bằng Tường (Trung Quốc) có giá khoảng 30 triệu đồng và container thường khoảng gần 20 triệu đồng. Về thời gian di chuyển, sau khi đóng đủ hàng (khoảng 20 container/chuyến) từ Lục Ngạn đến Bằng Tường dự kiến 12 giờ (bao gồm cả thời gian làm thủ tục thông quan). |
Theo quy trình, đơn vị vận chuyển sẽ đưa container lạnh chuyên dùng đến kho của doanh nghiệp. Sau khi hàng hóa được đóng gói và xếp hàng lên container sẽ đưa về ga Kép để lập tàu liên vận quốc tế chạy đến ga cửa khẩu Đồng Đăng, hoàn tất các thủ tục để xuất khẩu hàng. Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng đánh giá: So với đường bộ thì vận chuyển bằng đường sắt không chỉ giảm giá cước vận chuyển mà quan trọng hơn thời gian nhanh hơn, tránh được tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu. Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn – nhận định, tuyến vận tải đường sắt liên vận ga Kép được khai thác sẽ mở ra cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bắc Giang. Hiện nay, hệ thống đường sắt liên vận quốc tế sẽ kết nối lưu thông mở ra khả năng đưa sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đi sâu vào thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc và các nước. Trước đây, chỉ có thể xuất khẩu vải thiều qua đường bộ sang Trung Quốc, vải thiều Lục Ngạn chỉ đến các tỉnh lân cận biên giới. Đến nay nhờ di chuyển chính ngạch bằng đường sắt quả vải tươi có thể đến với các trung tâm thương mại lớn nhất của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh. Thậm chí quả vải thiều có thể đến Nga và các quốc gia khác một cách dễ dàng. |
Việc quả vải thiều Lục Ngạn chính thức được xuất khẩu chính ngạch bằng đường sắt là dấu mốc quan trọng, khẳng định quả vải thiều của Lục Ngạn là sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu. Với hương vị thơm ngon nức tiếng cộng với cách tiêu thụ đa dạng, giờ đây người trồng vải nói riêng và nông sản nói chung thêm yên tâm hơn với thị trường tiêu thụ. |
Thanh Tâm - Vũ Hạnh |