Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương chia sẻ với phóng viên Vuasanca về các giải pháp để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước – một trong những trụ cột quan trọng cho kinh tế phát triển. |
Thị trường nội địa là trụ đỡ cho nền kinh tế |
Thưa bà, trong bối cảnh khó khăn do xuất khẩu giảm sút thì thị trường nội địa được đánh giá là trụ đỡ cho nền kinh tế khi tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2023 đạt tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây. Vậy bà chia sẻ gì về tăng trưởng thị trường nội địa trong những tháng đầu năm? Với những con số nói trên thì có thể nói là thị trường nội địa đã tiếp tục trở thành bệ đỡ cho sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và được người dân đón nhận. Do đó, thị trường trong nước vẫn tăng trưởng được ở mức 2 con số. Đặc biệt là ở tháng thường có mức tiêu dùng thấp như tháng 5 nhưng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lại có con số tăng trưởng cao nhất trong 8 năm gần đây. Đấy là tín hiệu rất đáng mừng khi công tác triển khai các giải pháp tăng trưởng cho thị trường nội địa, kết nối hàng hóa tại thị trường trong nước phục vụ cho người dân; các chương trình an sinh xã hội, phát triển thị trường đã được phát huy hiệu quả. |
Hiện thị trường trong nước đã tổ chức được những mạng lưới để cung ứng hàng hóa đến 100 triệu người dân Việt Nam như chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi rất vui mừng vì trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, có Tết Nguyên đán nhưng chúng ta đã kiểm soát tốt lạm phát và chuẩn bị đầy đủ hàng hóa cho nhu cầu của người dân Việt Nam. Chúng tôi cũng hy vọng con số này sẽ giữ được từ nay đến cuối năm để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 9%/năm như Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Công Thương. Thị trường nội địa Việt Nam dù rất tiềm năng song cũng tiềm ẩn những khó khăn khi duy trì tăng trưởng do sức mua của người dân còn yếu sau đại dịch… Bà nhận định gì về vấn đề này? Bên cạnh những lợi thế về dân số đông, đã đi qua đại dịch thì những khó khăn vẫn luôn tồn tại trong quá trình phát triển thị trường trong nước như chúng ta vẫn còn thiếu vốn để hiện đại hóa thị trường bán lẻ, logistics cho nội địa… Bên cạnh đó, vẫn còn khó khăn trong xây chuỗi kết nối từ sản xuất đến tiêu dùng. Các chuỗi này cần có sự phù hợp riêng với từng đối tượng. Thị trường trong nước cũng gặp khó khăn do thu nhập của người dân còn bị tác động, đặc biệt là người lao động khu vực các nhà máy sản xuất hàng hóa xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đang gặp khó khăn do đơn hàng suy giảm. Một vấn đề khác nữa là làm thế nào để các doanh nghiệp đã quen với xuất khẩu quay lại với thị trường nội địa khi thị trường nội địa có những nét hoàn toàn khác so với xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là với khối doanh nghiệp chỉ mới quen gia công hàng hóa. |
Ngoài ra, hoạt động quản lý thị trường cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là quản lý thị trường qua các kênh mới như thương mại điện tử, mạng xã hội… Chúng tôi cũng thấy rằng sau khi Chiến lược phát triển thị trường trong nước đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt thì nhiệm vụ hiện đại hóa hạ tầng thương mại ở thị trường trong nước đã rất được quan tâm. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài liên tục có đơn vào Việt Nam để mở chuỗi cung ứng hàng hoá. Trong đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài rất quan tâm, đến việc hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa tại nước sở tại, đóng góp cho cộng đồng. Song bên cạnh đó cũng có những hệ thống chỉ phân phối hàng nhập khẩu. Đó là sự thách thức của các doanh nghiệp sản xuất khi muốn đưa hàng hóa vào các chuỗi phân phối này. Do đó chúng tôi đã làm việc với VCCI, các doanh nghiệp để làm sao Việt Nam vẫn có được các chuỗi phân phối song vẫn đảm bảo được các mục tiêu trong Chiến lược phát triển thương mại trong nước. Đó là thị trường trong nước phải là bệ đỡ cho sản xuất trong nước, trụ cột cho sản xuất trong nước, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, cung cấp hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống. |
Đẩy mạnh kết nối cung cầu nội địa |
Trong bối cảnh đó thì Bộ Công Thương có những giải pháp gì để kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại ở thị trường nội địa? Vừa qua, Bộ Công Thương vừa làm việc với 5 nhà phân phối lớn nhất tại Việt Nam để kết nối với tỉnh Bắc Kạn nhằm bàn giải pháp đưa hàng hóa OCOP, hàng đặc sản đại phương vào thị trường phân phối đó. Bắc Kạn hiện có những doanh nghiệp sản xuất hàng OCOP 5 sao đã đi vào thị trường Séc nhưng không biết làm thế nào để đưa vào siêu thị và hiện chỉ được bán ở hệ thống của Saigon Coop. Do đó, ngay sau khi thực hiện việc kết nối, ngay lập tức doanh nghiệp này đã được kết nối, làm việc để tìm cơ hội đưa hàng hoá vào hệ thống phân phối lớn như AEON, BRG, MM Mega Market. Bộ Công Thương hiện là đơn vị nòng cốt triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về triển khai Cuộc vận động này. Đồng thời, chúng ta cũng đang có Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam, tinh hoa hàng Việt Nam. Do đó, chúng tôi rất mong muốn các Hiệp hội, doanh nghiệp sẽ đóng góp những mặt hàng tinh hoa hàng Việt Nam đã nhiều năm chinh phục thị trường thế giới thì quay về thị trường trong nước để phục vụ người tiêu dùng ở thị trường nội địa. Nhiều hệ thống phân phối nội địa hay có vốn đầu tư nước ngoài rất rộng cửa với hàng Việt Nam chứ không phải chỉ nhập khẩu hàng nước ngoài về. Rất nhiều siêu thị có tỷ lệ hàng Việt nam lên đến 90% và với các sản phẩm có chất lượng tốt, tinh hoa hàng Việt Nam sẽ được ưu tiên các vị trí trong quầy kệ. Chiến lược phát triển thị trường trong nước đến năm 20230, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030, hàng hóa đi qua kênh phân phối hiện đại lên đến 42%. Do đó, thị trường trong nước đang rất rộng mở với hàng hóa chất lượng cao, phục vụ đối tượng có thu nhập khá và cao. |
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đặc biệt quan tâm đến các đối tượng yếu thế như vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc. Hiện tại Bộ Công Thương đang triển khai 9 chương trình, đề án để kết nối hàng hóa vào kênh phân phối như hàng hóa của bà con dân tộc, hàng Việt Nam, hàng OCOP, hàng hóa biên giới hải đảo, hàng hóa trong chương trình đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, hàng hóa an toàn thực phẩm… vào hệ thống phân phối. Năm nay chúng tôi cũng có những chương trình kích cầu tiêu dùng quan trọng, sẽ được triển khai từ nay đến cuối năm. Trong đó đặc biệt quan tâm đến các chương trình chuyển đổi số quốc gia, khuyến mại quốc gia, bình ổn thị trường… để đưa hàng hóa về các thị trường tiêu thụ. Hiện đã có gần 50 tỉnh thành có chương trình bình ổn thị trường và đến tháng 10 sẽ tăng thu mua để phục vụ Tết. Đây là giai đoạn bùng nổ của thị trường nội địa. Đặc biệt, chúng tôi cũng lưu ý các địa phương là đây là giai đoạn du lịch bùng nổ nên các địa phương phải nắm bắt được để xây dựng các điểm bán hàng OCOP, các điểm bán các sản phẩm có thế mạnh, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu… để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua du lịch. Với các chương trình kích cầu, xúc tiến thương mại như vậy, sắp tới nếu chính sách giảm thuế VAT và chính sách cho vay lãi suất ưu đãi được thông qua thì sẽ giúp tăng doanh thu thị trường nội địa, đưa tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt con số 9% như Chính phủ giao. Bên cạnh các giải pháp xúc tiến thương mại kể trên, Bộ Công Thương có kế hoạch và những giải pháp ra sao để thúc đẩy tăng trưởng thị trường nội địa, thưa bà? Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì Bộ Công Thương cũng ban hành Kế hoạch để triển khai chiến lược này đến các đơn vị trong bộ nhằm thúc đẩy việc phát triển hạ tầng thương mại, chuyển đổi số để phát triển thị trường trong nước văn minh hiện đại, đảm bảo phục vụ cho 100 triệu dân. Kế hoạch này hàng năm đều có báo cáo từ các địa phương về đầu tư hạ tầng phân phối nhằm đưa hàng hóa đến các địa phương. Bộ Công Thương cũng giao cho Vụ Tổ chức cán bộ để phối hợp với các trường đào tạo nhân lực cho ngành logistics, nhân viên ngành bán lẻ… Vừa qua, nhiều kênh bán lẻ đã đến Vụ Thị trường trong nước để làm việc về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho bán lẻ. |
Thêm nữa, tổ chức mạng lưới phân phối hàng hóa thiết yếu theo hướng chất lượng tốt hơn, hướng đến người tiêu dùng, bắt được xu hướng và đảm bảo được nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, Vụ Thị trường trong nước quan tâm đến vấn đề này bởi khi dịch Covid-19 lắng xuống thì rất nhiều kênh phân phối đang thử nghiệm hạ tầng thương mại theo hướng xanh sạch đẹp, 1 điểm đến nhiều tiện ích… Thời gian tới sẽ có các loại hình hạ tầng thương mại phát triển. Đây là xu hướng rất cần có sự quan tâm. Ngoài ra, cần cân đối giữa phát triển thương mại hiện đại và truyền thống. Hiện Bộ Công Thương đã có Nghị định trình Chính phủ về thu hút nguồn lực đầu tư trong nước để cải tạo chợ truyền thống để làm sao người dân có được kế sinh nhai, tiêu thụ hàng hóa địa phương, bảo tồn văn hóa tại chợ truyền thống… Xin cảm ơn bà! |