Trận chiến ở Trường Sa không chỉ đơn giản là bảo vệ cho được phần biển, vùng trời, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ta trên biển Đông, mà hơn thế nữa, nó còn là trận đánh mang tính thời cơ chiến lược, góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước toàn vẹn, non sông thu về một mối. |
Trong một chuyến công tác tại thành phố Cảng, Hải Phòng, chúng tôi may mắn được gặp chiến sĩ đặc công hải quân - Trung tá Đào Mạnh Hồng, nguyên cán bộ Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 - người từng tham gia trận chiến giải phóng Trường Sa vào tháng 4/1975. Năm tháng đã qua đi, nhưng ký ức về trận chiến “có một không hai” đó vẫn như những thước phim quay chậm qua lời kể của vị Trung tá này. Bồi hồi nhớ lại chuyến đi lịch sử năm ấy, Trung tá Đào Mạnh Hồng trầm ngâm: Trong lúc quân và dân ta trên khắp chiến trường đang tập trung toàn lực cho tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam thì ngày 23/3/1975, Phân đội 1, đặc công Đoàn 126 (thuộc Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân) nhận lệnh ra giải phóng Trường Sa. “Lúc đó, đồng chí Hoàng Hữu Thái - Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân đã giao nhiệm vụ cho biên đội 3 tàu 673, 674 và 675 của Đoàn vận tải 125 Hải quân, những con tàu "không số" nổi tiếng của "Đường Hồ Chí Minh trên biển". Các tàu không lớn, trên mặt boong chỉ có vài người đi lại như ngư dân đánh cá nhưng trong bụng những con tàu ấy chứa gần 300 cán bộ, chiến sĩ, và do đồng chí Mai Năng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân trực tiếp chỉ huy thực hiện nhiệm vụ lên đường giải phóng Trường Sa”- Trung tá Đào Mạnh Hồng kể. |
Không hải đồ, không có thiết bị định vị hiện đại, những con tàu không số thuộc Trung đoàn 125 giả dạng tàu đánh cá ra giữa biển khơi mênh mông và bão tố để giải phóng Trường Sa. Ngày 10/4, Trung đoàn 125 đã phát lệnh rời bến ở Hải Phòng cho 3 tàu cấp tốc hành quân vào Đà Nẵng. Để đảm bảo bí mật tuyệt đối, các tàu được tổ chức hành quân độc lập, chỉ đặt ra yêu cầu là có mặt tại cảng Đà Nẵng đúng thời gian. Đến 21h ngày 10/4, cả 3 tàu đều tập kết ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Thời điểm này, Đà Nẵng vừa được giải phóng. Công tác hậu cần cho các tàu được chuẩn bị gấp gáp, bổ sung đầy đủ phương tiện, vũ khí, dầu, nước, lương thực… Việc ngụy trang cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng khi các tàu đều không có số hiệu, cán bộ chiến sĩ mặc trang phục như các ngư dân đánh cá, không treo cờ… Các tàu tiếp nhận lực lượng Đại đội đặc công Đoàn 126 và đặc công Khu 5 xuống tàu để khi tiếp cận sẽ đổ bộ, giải phóng đảo. Đúng 1h sáng ngày 11/4/1975, biên đội tàu rời cảng Đà Nẵng hướng ra đảo Song Tử Tây. |
Ở vị trí Phân đội trưởng Phân đội đặc công số 1, đặc công Đoàn 126, ông Hồng biết đây là trận “đánh lớn” và nhiều nguy hiểm. “Lúc đó, chúng tôi đều rất hào hứng bởi khí thế những ngày cận kề giải phóng dân tộc thôi thúc, nhưng rồi cũng đầy hồi hộp vì đây là một trận đánh khá đặc biệt. Bởi với lực lượng đặc công chúng tôi, mặc dù đã được huấn luyện và tham gia nhiều chiến dịch, đánh thắng hàng trăm tàu thuyền tại các mục tiêu trên biển, trên sông, bến cảng… Tuy nhiên lại chưa từng đánh ngoài khơi, đổ bộ đánh đảo như trận chiến này. Do đó, trận đánh được xem là chưa từng có tiền lệ của đặc công hải quân”-ông Hồng nói. Ông Hồng cho biết thêm, trận chiến này còn đặc biệt ở chỗ, chúng ta ra trận mà chưa biết gì về địch, địa hình không biết, trang thiết bị của địch thế nào, bố phòng ra sao. Mục tiêu trên biển không có. Đoàn tàu phải sử dụng phương pháp thiên văn để định vị tàu 673 và vị trí đảo Song Tử Tây bằng cách đo phương vị của hai ngôi sao so với mặt nước. Sau khi xác định được vị trí của tàu thì tiếp tục so chiếu vị trí tàu với vị trí đảo để xác định hướng và đường đi đến đảo nhanh nhất. “Trong lịch sử ra khơi của đoàn tàu “không số”, hầu hết là bí mật chở vũ khí chi viện cho miền Nam, tuy nhiên đây là lần đầu tiên họ chở bộ đội ta lên đường chiến đấu giải phóng biển đảo. Bởi vậy mà vũ khí, đạn dược và cả bộ đội phải bố trí ép sát dưới khoang tàu, san sát như “xếp cá””- ông Hồng bùi ngùi. Tuy nhiên, với quyết tâm bảo vệ cho được phần biển, vùng trời thiêng liêng của tổ quốc, góp phần vào bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ dân tộc nên chúng tôi đã nêu cao ý chí quyết tâm sẽ giành lại bằng được đảo và tiến tới giải phóng hoàn toàn Trường Sa, mang về niềm vui trọn vẹn cho đất nước. Ông Đào Mạnh Hồng trải lòng: Chúng tôi giấu quân trong những khoang kín, chỉ nghe tiếng sóng ào ạt, tàu trồi lên thụt xuống nên ai cũng bị say sóng, lại thiếu không khí, nên mệt lử. Tôi từ lúc lên tàu đến lúc xuống xuồng cao su vẫn còn say lả. Nhưng khi nhận nhiệm vụ, thả quân đổ bộ vào đảo Song Tử Tây thì tỉnh như sáo. |
Về lực lượng chiến đấu, theo ông Hồng, căn cứ vào đặc thù của trận chiến, trong số 250 người đi giải phóng Trường Sa, Quân ủy Trung ương và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn tới 150 người là đặc công nước. Bởi những người lính đặc công thường có nhiều tố chất khác thường: Bơi, lặn rất giỏi, phản xạ rất nhanh, bản lĩnh rất “lỳ”. Họ có thể "xuất quỷ nhập thần" và còn thả trôi hàng giờ trên biển chờ thời khắc nổ súng. Tuy nhiên, tương quan lực lượng lúc đó rất mỏng, quân ngụy đóng giữ trên các đảo có tổng số khoảng hơn 160 lính. Nói về lý do của việc đánh chiếm Song Tử Tây mở màn cho chiến dịch, theo ông Hồng lý giải, nếu hướng giải phóng quần đảo Trường Sa 46 năm trước được coi là “cánh quân thứ sáu” cùng với 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn thì giải phóng Song Tử Tây chính là hướng chủ yếu, hướng mở màn. |
Song Tử Tây chính là sào huyệt, là cửa mở tiêu diệt địch. Hòn đảo này nằm giữa biển Đông, tách biệt với các đảo khác ở quần đảo Trường Sa, lại gần bờ nhất thuận tiện cho việc vận chuyển của ta. Giải phóng Song Tử Tây trước sẽ tạo bàn đạp để giải phóng các đảo còn lại. Theo các tài liệu ghi chép, Trường Sa có hơn 100 đảo lớn nhỏ và bãi san hô ngầm nhưng vào thời kỳ cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ chỉ có 11 đảo có người. 5/11 đảo do quân ngụy đóng giữ, gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa. “Sau hai ngày hải trình "thần tốc", ba con tàu đến vùng biển đảo Song Tử Tây. Bắt đầu trinh sát vòng ngoài quanh đảo, chúng tôi xác định vị trí đổ bộ tiến công, lường trước những khó khăn, thuận lợi và yếu tố bí mật bất ngờ”-ông Hồng chia sẻ. Đến 5h sáng 13/4, tàu 673 tiếp cận được đảo Song Tử Tây cách 20 hải lý. Sau 1 giờ đồng hồ trinh sát, nắm tình hình, Trung úy Nguyễn Xuân Thơm và Trung úy Nguyễn Ngọc Quế, Đội trưởng Đội 1 Trung đoàn 126 trở lại tàu 673. Cả hai cùng xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến báo cáo chỉ huy đơn vị. “Sau khi tính toán thủy triều lên, cao nhất vào thời điểm 0h ngày 14/4, sẽ đưa tàu áp sát đảo, dùng xuồng cao su chở lực lượng và vũ khí theo các mũi đổ bộ theo hướng Đông Nam để lên đảo…” –ông Hồng kể và cho biết thêm, đêm đó, đúng như dự toán, thủy triều dâng cao, tàu 673 tiếp cận đúng vị trí cách đảo 500m. 3 xuồng cao su cùng lực lượng đặc công tiếp cận đổ bộ lên đảo theo 3 mũi. |
Những chiếc xuồng trên Tàu 673 được thả xuống, các tổ chiến đấu bám sát nhau xuống xuồng như những con rái cá, các chiến sĩ đặc công hải quân nhanh nhẹn trườn trên sóng dữ. Đích của họ là những cây dừa, cây bàng quả vuông, mỏm cát nhỏ xíu nổi lên trên đảo. Sóng to, nước chảy xiết, một vài tổ bị sóng đánh lật xuồng. Anh em dồn hết sức mình bơi vào đảo. Theo ông Hồng, họ phải bơi 3 tiếng mới vào tới bờ. Các mũi đột kích vừa bám được đảo đã triển khai áp sát mục tiêu. Các hỏa lực do Đại đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy khẩn trương chiếm lĩnh trận địa. 30 cán bộ, chiến sĩ Phân đội 1 bí mật đổ bộ vào sát mép đảo, tiếp cận các mục tiêu rồi nổ súng. Bị đánh bất ngờ, địch chống trả quyết liệt, đại liên từ các lô cốt chúng bắn ra như mưa khiến ta phải sử dụng hỏa B40, B41 tiêu diệt. Quân ta nhanh chóng đánh chiếm sở chỉ huy, khu thông tin kết hợp gọi hàng. Sau 30 phút chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây. Sau khi giải phóng Song Tử Tây, lực lượng đặc công được đơn vị giao ở lại bảo vệ đảo. Tàu 673 đậu ngoài khơi phối hợp bảo vệ. Hai tàu 674 và 675 đưa tù binh trở lại Đà Nẵng. Các tổ chức rút kinh nghiệm để tiếp tục lên kế hoạch giải phóng các đảo tiếp theo ở quần đảo Trường Sa. |
Song Tử Tây mất, hệ thống phòng thủ của địch ở quần đảo Trường Sa bị đe dọa. Địch vội vàng cho hai tàu chiến có số hiệu HQ16 và HQ402 từ Vũng Tàu ra, định phản kích chiếm lại đảo, nhưng do hoang mang trước những thất bại dồn dập của chúng trên chiến trường, cộng với sự bố phòng chặt chẽ của cán bộ, chiến sĩ Phân đội 1, địch chỉ lảng vảng rồi quay về tăng cường cho Nam Yết – thủ phủ chỉ huy của chúng. Trước tình hình đó, ngày 18 và 19/4, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân họp rút kinh nghiệm trận đánh ở Song Tử Tây và lên kế hoạch cho các trận đánh tiếp theo. Nhận định, đây là thời cơ thuận lợi để ta giải phóng các đảo còn lại, Bộ Tư lệnh Hải quân chủ trương sử dụng tàu 673 và điều thêm tàu 641 của Đoàn 125 ra chở Phân đội 2, Phân đội 3 (Đội 1) và lực lượng đặc công Quân khu 5 đi giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết và Sinh Tồn. |
Khi nhận lệnh chỉ huy đơn vị đánh chiếm đảo Sơn Ca, Chuẩn đô đốc, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Đỗ Viết Cường, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, nguyên Đội phó Đội 1, Đoàn Đặc công 126, Hải quân không thể quên giây phút đặc biệt đó. Ông chậm rãi kể: “4h sáng ngày 21/4/1975, trời còn mờ sương, chúng tôi được lệnh lên tàu. Chiếc tàu số hiệu 641 được cải trang thành tàu đánh cá, do đồng chí thuyền trưởng Trần Tú điều khiển rời Đà Nẵng ra thẳng Trường Sa. Lúc này, miền Nam còn nhiều vùng chưa giải phóng, khu vực biển miền Trung có rất nhiều tàu nước ngoài hoạt động. Để tránh bị lộ, tàu của chúng tôi phải liên tục thay đổi biển số tàu. Chúng tôi phải nằm dưới khoang tàu 3 ngày liền, chờ ngày nổ súng”. Khoảng 21h30 ngày 23/4/1975, tàu 641 áp sát đảo Sơn Ca, cách đảo khoảng 2 hải lý. Lúc này nước chảy rất xiết, xuồng không tiếp cận được đảo, đến khoảng 23h30, ông Cường lệnh cho anh em đổ bộ. 1h30 phút, các mũi đã bơi đến đảo mà địch không phát hiện được. 3h sáng, trận đánh kết thúc thắng lợi, ta làm chủ đảo Sơn Ca và thu được khá nhiều chiến lợi phẩm. Khi trời vừa sáng, ông Cường lệnh cho anh em kéo cờ giải phóng trên đảo Sơn Ca. Giữa biển khơi, lá cờ tung bay trong gió, khiến quân địch trên các đảo khác hoảng loạn. Tiếp đó, từ ngày 24/4 đến ngày 29/4, tàu 641 của Đoàn 125 tiếp tục được lệnh chở thêm lực lượng bổ sung, tham gia biên đội tàu của C75 tiếp tục giải phóng các đảo: Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa. Đúng 9h ngày 29/4, lực lượng ta đổ bộ chiếm Trường Sa. 9h30, cờ giải phóng tung bay trên đảo. Kể từ thời khắc này, Trường Sa – quần đảo chiến lược và thiêng liêng của Tổ quốc đã hoàn toàn được giải phóng! Như vậy, với hơn 20 ngày “vượt bão” chiến đấu, quần đảo thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông” đã được hoàn toàn giải phóng. Mặc dù trải qua cuộc chiến đầy cam go, thử thách, tuy nhiên, bằng sự hy sinh, quả cảm của những người lính đặc công, bằng sự mưu trí tài tình của những thủ lĩnh dày dạn kinh nghiệm, chiến thắng Trường Sa đã khẳng định chủ quyền của nước ta trên biển Đông, đồng thời góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước toàn vẹn, non sông thu về một mối. |
Thực hiện: Đỗ Nga – Thu Thủy |