Biti’s, Thượng Đình, May 10, Việt Tiến… là những thương hiệu dệt may, da giày được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nhờ giải pháp xúc tiến thương mại phù hợp. |
Thương hiệu da giày Việt “hồi sinh” |
Năm 2024, thương hiệu "quốc dân" Biti’s đã tiếp tục đánh dấu một năm thành công với series “Đi để trở về” mùa thứ 8 với ca khúc “Nơi pháo hoa rực rỡ”. Bắt đầu xuất hiện ở MV “Lạc trôi” của Sơn Tùng MTP vào năm 2017 với thương hiệu Biti’s Hunter, đến nay, sau 8 mùa chiến dịch “Đi để trở về”, thương hiệu "quốc dân" một thời huy hoàng tưởng chừng bị lãng quên trong suốt một thập kỉ vì sự thâm nhập của những cái tên ngoại ở thị trường nội địa, bỗng chuyển mình và "bừng tỉnh". |
Quyết định đổi mới và trẻ hóa Biti’s, cụ thể là cho ra mắt dòng sản phẩm Biti’s Hunter với kiểu dáng trẻ trung, phù hợp với giới trẻ là một quyết định sáng suốt của Biti’s. Sản phẩm này ngay lập tức thu hút và tạo tiếng vang nhờ chiến dịch “Lạc trôi – Đi để trở về” được ra mắt đầu năm 2017. Đôi giày là điểm nhấn trong MV “Lạc trôi” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP và MV “Đi để trở về” của Soobin Hoàng Sơn, không những giúp Việt Nam có một chiến dịch Tết nổi bật, giúp Biti’s Hunter cháy hàng, mà còn tạo ra một cột mốc đáng nhớ của Biti’s trong lòng người tiêu dùng Việt Nam: Cột mốc trở lại thị trường nội địa. Từng được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, sau một thời gian chịu sức cạnh tranh mạnh với các sản phẩm nhập khẩu trên thị trường, Biti’s tưởng rằng sẽ tiếp tục trở thành một thương hiệu “một thời vang bóng”. Nhưng sau chiến dịch “Đi để trở về”, Biti’s đã thực sự “hồi sinh” và chiếm lại được cảm tình của người tiêu dùng bằng cách xúc tiến thương mại phù hợp. Sử dụng cách quảng bá và tiếp cận khán giả trẻ tuổi thông qua hình ảnh người nổi tiếng là chiến dịch được các doanh nghiệp da giày hướng đến vì mang lại hiệu quả cao. Năm 2023, thương hiệu Giày Thượng Đình cũng một lần nữa “hot” trở lại nhờ một bức ảnh phong cách thời trang đường phố do rapper HIEUTHUHAI đăng tải trên trang Facebook và Instagram cá nhân. Bà Vưu Lệ Quyên - CEO Biti’s chia sẻ, thị trường giày dép Việt Nam hiện chiếm đa phần là giày Trung Quốc, lợi thế là giá rất rẻ và bán online. Nếu so với hàng Trung Quốc, Biti’s không thể cạnh tranh bằng giá. Tuy nhiên, thương hiệu Biti’s nổi tiếng nhiều năm qua chính là nhờ chất lượng và độ bền. Mục tiêu của Biti’slà là sản xuất ra những sản phẩm giúp khách hàng sử dụng lâu nhất có thể. Tiết lộ chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp này cho biết đang tập trung phát triển con người cũng như xây dựng lại môi trường làm việc hạnh phúc bởi chỉ có con người bền vững mới có sản phẩm bền vững, từ đó xây dựng được doanh nghiệp bền vững đúng tiêu chuẩn phát triển bền vững (ESG) hiện nay. Cùng với đó là tập trung vào các sản đi theo “vòng kinh tế tuần hoàn”. Đồng thời, tiếp tục tiếp cận thị trường bằng cách quảng bá gần gũi với giới trẻ - đối tượng tiêu dùng chính của thương hiệu. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp da giày trong nước đã hướng về thị trường nội địa và đã có bước phát triển đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị và tăng cường khâu thiết kế mẫu, tạo ra nhiều sản phẩm hợp thời trang, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Cùng với đó, chất lượng và kiểu dáng sản phẩm sản xuất trong nước cũng được nâng cao, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp xuất khẩu trước đây như giày Bitis, Tuấn Việt, Thượng Đình nay đã dành một phần sản phẩm cho thị trường trong nước. Cùng với các chiến dịch quảng bá gây tiếng vang, việc tham gia vào các hội chợ, triển lãm hay những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn… do Bộ Công Thương phát động đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp trên thị trường nội địa. |
Sản phẩm dệt may chinh phục thị trường nội |
Không chỉ doanh nghiệp da giày mà nhiều doanh nghiệp dệt may cũng tích cực đầu tư cho thị trường nội địa. Đầu tháng 4 vừa qua, tại Hà Nội, Tổng Công ty May 10 - CTCP (May 10) đã khai trương cửa hàng tại số 3 Ô Chợ Dừa - Quận Đống Đa. Đáng chú ý, đây là thị trường thứ 3 của May 10 ở Hà Nội từ đầu năm 2024 đến nay. Ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc May 10 cho biết, tăng cường phát triển thị trường nội địa là một trong những chiến lược và mục tiêu của May 10 duy trì trong suốt hơn 30 năm qua. Đặc biệt, trong năm 2023-2024, May 10 tiếp tục triển khai nhiều dự án lớn như chuỗi trung tâm thời trang May10 Centurion, hệ thống cửa hàng tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, TP. Hồ Chí Minh… Các trung tâm thời trang May 10 Centurion hoạt động theo mô hình trung tâm thời trang công sở với đa dạng các sản phẩm, nhãn hiệu, mẫu mã cho giới văn phòng công sở. Được biết, doanh thu từ thị trường nội địa đang chiếm khoảng 20% trong tổng doanh thu của May 10. Việc đẩy mạnh và phát triển thị trường nội địa là nhằm cụ thể hóa mục tiêu của May 10 trong chiến lược định vị thương hiệu May 10 - thương hiệu quốc gia cũng như thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam”. Câu chuyện của May 10 là câu chuyện điển hình cho việc các doanh nghiệp dệt may hoàn toàn có thể chiếm lĩnh tốt thị trường trong nước nếu có hướng đi phù hợp. Song song với xuất khẩu, ngay từ những năm 1992, đơn vị đã xây dựng thương hiệu May 10 bán tại thị trường nội địa. Với thương hiệu này, May 10 làm theo phương thức OBM (sản xuất, gắn thương hiệu gốc), không khác gì những nhãn hiệu thời trang toàn cầu, chỉ khác ở chỗ bán tại thị trường trong nước. Qua đó, từng bước tiếp cận nhằm phát triển ở thị trường thế giới, với việc xuất khẩu thương hiệu của chính May 10, thay vì đang làm FOB hay ODM cho các thương hiệu nước ngoài. Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Hoàng Thế Nhu – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 – CTCP, người đã có nhiều năm cùng May 10 đồng hành cùng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam khẳng định: “May 10 chủ trương làm hàng dệt may cho thị trường trong nước với tiêu chuẩn cao hơn hàng xuất khẩu. Song, giá bán phải được tính bằng tiền Việt chứ không phải USD”. |
Đơn cử, cùng một mặt hàng áo sơ mi, đối với thị trường xuất khẩu, chỉ cần vải cotton mặc dễ chịu, thoải mái là khách hàng thích. Tuy nhiên, với thị trường Việt Nam cũng vải cotton nhưng phải cố gắng sản xuất không nhàu nát. Để làm được điều này, May 10 chỉn chu từ khâu chọn lựa nguyên liệu, đến may mặc và đưa sản phẩm ra thị trường. Tất cả sản phẩm đầu ra đều được kiểm soát chặt chẽ theo quy trình. Bên cạnh đó, May 10 sẽ nỗ lực tối ưu hoá chi phí để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm với giá cạnh tranh nhất. Ngoài ra, May 10 luôn tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương phát động, điển hình như Chương trình Nhận diện hàng Việt được tổ chức hàng năm, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn… Nhờ đó, thương hiệu May 10 ngày càng được người tiêu dùng trong nước biết đến và lựa chọn sử dụng. Tương tự, Tổng Công ty CP May Việt Tiến cũng chọn chinh phục thị trường bằng các thương hiệu riêng. Chọn phân khúc đặc trưng là sản xuất hàng hoá cho khối nhân viên văn phòng, Việt Tiến đã từng bước khẳng định được tên tuổi và vị thế trên thị trường với những thương hiệu nổi tiếng như Viettien, Viettien Smartcasual San Sciaro, Manhattan, T-up, Vietlong, Camellia… Hiện Việt Tiến đang sở hữu 1.300 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm trên toàn quốc, giúp người tiêu dùng dễ dàng chọn mua và sử dụng sản phẩm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp dệt may khác như May Ðức Giang, Việt Thắng... cũng đang tập trung đẩy mạnh phát triển thương hiệu ở thị trường nội địa. Đồng thời chọn lựa mảng phân khúc phù hợp để chiếm lĩnh tốt thị trường nội địa. Đó là tập trung cho các sản phẩm quần áo mặc nhà, đồng phục, đồ bảo hộ lao động, sơ mi, veston… Nhờ đầu tư đúng đắn, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có những thương hiệu uy tín, đi vào lòng người tiêu dùng Việt và doanh thu nội địa mỗi doanh nghiệp tới hàng trăm tỷ đồng/năm. |
Tận dụng tốt hơn cơ hội từ thị trường trăm triệu dân |
Nhấn mạnh thị trường nội địa là “mảnh đất” màu mỡ với các doanh nghiệp dệt may, da giày Việt, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, các doanh nghiệp đang ở thời điểm thuận lợi để tập trung vào thị trường trong nước, bởi sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm Việt. “Nếu 15 năm trước đây, người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng sử dụng hàng dệt may may xuất xứ từ nước ngoài do giá rẻ, do tâm lý “sính ngoại” thì hiện nay không ít người tiêu dùng theo xu hướng chuyển sang lựa chọn hàng may mặc của Việt Nam bởi chất lượng tốt, giá phải chăng, kiểu dáng ngày càng cập nhật xu hướng. Sau giai đoạn dịch Covid-19, người tiêu dùng ngày càng chi tiêu khắt khe hơn và thay vì chọn mua nhiều sản phẩm với giá rẻ, họ ưu tiên chọn mua sản phẩm chất lượng và có độ bền. Nhiều thương hiệu, sản phẩm dệt may, da giày Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu này” – ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh. Thị trường nội địa với 100 triệu dân là thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam nên dù là quốc gia xuất khẩu dệt may, da giày mạnh song các doanh nghiệp đang dành một phần năng lực để phục vụ thị trường nội địa. Đơn cử, hiện năng lực sản xuất của ngành dệt may vào khoảng 50 tỉ USD, trong đó khoảng 85 - 87% là xuất khẩu, còn lại là dành cho thị trường trong nước. |
Về thị trường trong nước, nền kinh tế hiện đang trên đà phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng khá nhanh, vào khoảng trên 4.000 USD/người/năm. Ước tính, nếu khoảng 15% thu nhập của người dân dành cho tiêu dùng thì dung lượng của thị trường nội địa sẽ đạt khoảng 7 tỉ USD. Đây là con số rất lớn đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được triển khai từ năm 2009 đến nay đã dần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Nếu như trước đây người dân lựa chọn sản phẩm nước ngoài thì giờ đây, hàng hoá Việt Nam được tin dùng. Doanh nghiệp cũng thay đổi tư duy sản xuất, từ thiết kế mẫu mã, sử dụng đa dạng nguyên phụ liệu để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, có sự thay đổi để phù hợp với từng vùng miền, lứa tuổi, thu nhập... Tuy nhiên thị trường nội địa không chỉ toàn là cơ hội, các doanh nghiệp dệt may cũng gặp nhiều thách thức khi phát triển trong nước. Hàng dệt may, da giày Việt Nam hiện phải cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu… Bên cạnh đó, đặc trưng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc bỏ chi phí để quảng bá thương hiệu cho người tiêu dùng biết đến. Do đó, điểm cốt lõi để các doanh nghiệp vững chân tại thị trường nội địa, theo ông Vũ Vinh Phú, chính là các cơ quan chức năng cần đấu tranh mạnh hơn với hàng nhái, hàng giả để bảo vệ sản phẩm và doanh nghiệp chân chính. Đồng thời, các doanh nghiệp cần liên kết theo chuỗi, phát huy thế mạnh riêng cũng như nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh. Đặc biệt, các chương trình kết nối, xúc tiến thương mại, các hoạt động tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu, khẳng định chất lượng sản phẩm Việt… do Bộ Công Thương triển khai là hoạt động rất thiết thực với doanh nghiệp dệt may, da giày. Đây là dịp quảng bá thương hiệu rất hiệu quả, không tốn nhiều chi phí mà Bộ Công Thương triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá, tìm thị trường và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. |
Thực hiện: Hồng Hà |