Năm 2023, cán cân thương mại cả nước đã tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư cao kỷ lục, ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022. ------------------------------------------------------ |
XUẤT SIÊU: NỖ LỰC LỚN CỦA NHIỀU NHÓM NGÀNH HÀNG |
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Với kết quả như vậy, cán cân thương mại cả nước đã tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Đây cũng là mức xuất siêu kỷ lục trong nhiều năm qua. Kết quả xuất siêu kỷ lục được coi là một trong những điểm sáng của hoạt động ngoại thương. Bởi xét từ đầu năm đến nay, xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Xuất khẩu - một trong ba chân kiềng quan trọng của tăng trưởng kinh tế (là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) đã tăng trưởng âm tới hai con số ngay từ quý đầu tiên của năm 2023 - với mức giảm tới 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Con số này đã phản ánh đúng thực trạng khó khăn của nền sản xuất trong nước - khi công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm từ 85% đến hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng đã suy giảm sâu từ cuối năm 2022, đầu năm 2023. |
Không chỉ nhu cầu suy giảm mà nhiều nước nhập khẩu đặt ra các yêu cầu cao về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt hơn với các sản phẩm cùng loại của các thị trường là đối thủ của Việt Nam. |
Đặt trong bối cảnh đó, năm 2023, các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp, hiệp hội đã nỗ lực rất lớn để triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, thông tin để triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA)... đưa hoạt động xuất nhập khẩu “về đích” mục tiêu năm 2023. Nhờ đó, xuất khẩu dần lấy lại tốc độ tăng. Tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, giúp duy trì được kết quả xuất siêu. |
Như vậy, đánh giá tổng thể, dù xuất khẩu hàng hóa trong năm 2023 đã không đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên, điểm tích cực là liên tục trong khoảng 7 tháng cuối năm, xuất khẩu đã lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian giảm sâu trước đó. Đặc biệt, từ tháng 7 đến hết năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước luôn đạt con số hơn 30 tỷ USD/tháng (tháng 7 đạt 30 tỷ USD; tháng 8 đạt 32,37 tỷ USD; tháng 9 đạt 31,41 tỷ USD, tháng 10 đạt 32,3 tỷ USD). Có được điều này là do doanh nghiệp vẫn luôn nỗ lực duy trì sản xuất và Việt Nam tiếp tục là địa điểm thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang phát huy tốt việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để duy trì xuất khẩu vào các thị trường chính. |
ĐIỂM SÁNG TỪ NHÓM NÔNG SẢN |
Trong bức tranh khó khăn chung của xuất nhập khẩu hàng hoá nói chung, xuất khẩu nông sản nổi lên là một điểm sáng đáng ghi nhận. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 53 tỷ USD, thực hiện đươc 96,3% kế hoạch Thủ tướng giao hồi đầu năm. Thặng dư thương mại toàn ngành năm 2023 đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Nhiều mặt hàng ghi nhận những dấu ấn mới, đặc biệt là gạo và rau quả. |
Đơn cử, với mặt hàng gạo, theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết nửa đầu tháng 12, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 7,9 triệu tấn gạo, trị giá hơn 4,5 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan. Kết quả này đã cao hơn dự báo trước đó là cả năm xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo và gần đạt bằng mức sản lượng dự tính của Bộ Công Thương trước đó là cả năm xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD. Với đà này, các chuyên gia ước tính, năm 2023, xuất khẩu gạo có thể lên tới 8,2 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 4,8 tỷ USD. Đạt mức cao nhất từ năm 1989 (năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo) tới nay. |
Trước đó, kỷ lục về sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 7,1 triệu tấn vào năm 2011 và 2022. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, về lượng, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay đã vượt 0,8 triệu tấn so với kỷ lục cũ. Xét về giá trị, kim ngạch xuất khẩu cũng đang vượt 0,85 tỷ USD so với kỷ lục cũ năm 2011 (3,65 tỷ USD). Bộ Công Thương từng nhận định, năm nay sẽ là năm thắng lợi của thương mại gạo. Đáng chú ý, gạo Việt Nam ngày càng chinh phục tốt các thị trường khó tính. Mới đây, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ST25 – giống gạo từng đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới do tổ chức The Rice Trade tổ chức đã chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Cùng ST25, giống ST24 cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU. Trước khi ST24 và ST25 được hưởng ưu đãi, 9 giống gạo của Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU, bao gồm: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên Chợ Đào. Đây là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường đầy tiềm năng này. Theo cam kết của Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch ưu đãi thuế 80.000 tấn/năm, trong đó, 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. EU sẽ tự do hoá hoàn toàn đối với gạo tấm. Với các sản phẩm chế biến từ gạo, EU đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm (EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020). |
Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, gạo là một trong những mặt hàng tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan với tỷ lệ sử dụng C/O gần như 100%. Trong năm ngoái, tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU đạt trên 94.500 tấn. |
Kết quả này cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy các thương nhân tận dụng tốt ưu đãi của EVFTA và các chương trình xúc tiến thương mại của Chính phủ. Hoặc với mặt hàng rau quả, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả năm 2023 dự kiến đạt tới 5,6 tỷ USD - mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay. |
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, TTXVN |
Với kỷ lục đạt gần 5,6 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 bứt phá mạnh mẽ, vượt 40% kế hoạch đầu năm và tăng gần 66% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, mặt hàng này cũng có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu nhóm nông sản khi vượt qua các ngành chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê, sắn... Đáng chú ý, sầu riêng đã trở thành "quán quân" trong nhóm hàng rau quả xuất khẩu khi đạt được con số tăng trưởng rất cao. Đây vừa là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp, vừa là kết quả từ nỗ lực mở cửa thị trường Trung Quốc của các Bộ, ngành cho mặt hàng sầu riêng của Việt Nam. |
Từ kết quả xuất siêu của ngành nông nghiệp, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, việc xuất siêu tăng mạnh có ý nghĩa rất quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Việc xuất siêu tăng mạnh giúp nền kinh tế có thêm ngoại tệ để nhập trang thiết bị về tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Cùng với đó, gói hỗ trợ 15.000 tỉ đồng cho ngành lâm nghiệp và thủy sản đã giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính để dự trữ nguyên liệu, tăng cường chế biến và xúc tiến thương mại. Với tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào các thị trường đang có nhu cầu tăng cao như Trung Quốc, Nhật, Hàn... ngành nông nghiệp sẽ về đích xuất khẩu 53 - 54 tỉ USD năm 2023. Từ việc đạt mục tiêu xuất khẩu, chắc chắn xuất siêu sẽ tăng cao hơn. |
NỖ LỰC HƠN CHO MỤC TIÊU NĂM 2024 |
Nỗ lực cân bằng cán cân thương mại, đặc biệt là giúp nền kinh tế có xuất siêu là mục tiêu luôn được đề ra cho hoạt động thương mại quốc tế hàng năm. Song, mức xuất siêu của năm 2023 vẫn còn nhiều điều đáng bàn. TS Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương nêu quan điểm, năm 2023 kinh tế thế giới có nhiều khó khăn lớn, gay go hơn cả thời Covid-19, tổng cầu thế giới giảm mạnh do lạm phát tăng cao, xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này dẫn tới nhiều nền kinh tế tăng lãi suất rất cao, kinh tế nhiều nước suy giảm... Những nguyên nhân này làm cho xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh. Bên cạnh đó, điều đáng lưu ý là xuất khẩu giảm mạnh nhưng nhập khẩu của nền kinh tế đang giảm mạnh hơn, do đó kết quả xuất siêu gần 30 tỉ USD có một phần nguyên nhân từ kết quả nhập khẩu giảm sâu. Theo phân tích của ông Phương, xuất siêu là tốt và thường quốc gia nào cũng mong muốn xuất siêu, đặc biệt xuất siêu hàng chục tỉ USD thời gian qua là một tin tốt, giúp chúng ta giữ ổn định được tỉ giá, tăng được dự trữ ngoại hối, hỗ trợ cho kiểm soát lạm phát... |
Nhưng mặt không tốt ở đây là nhập khẩu cũng giảm, trong khi Việt Nam vẫn là một nền kinh tế có tính gia công, lắp ráp cao. Ví dụ như các mặt hàng xuất khẩu điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, da giày... phải nhập khẩu linh phụ kiện, nguyên liệu rất nhiều từ bên ngoài. Vì thế, nhập khẩu giảm cho thấy tình hình sản xuất của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, để xuất siêu thực sự mang lại hiệu quả tích cực nhất cho nền kinh tế. Do đó, TS Lê Quốc Phương cho rằng, phải chuyển từ nền công nghiệp gia công, lắp ráp sang nền công nghiệp nội địa hóa cao, hàm lượng công nghệ cao. Một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như nông sản. Đồng thời, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề chất lượng. Riêng với xuất khẩu thủy sản, cần tích cực tháo gỡ thẻ vàng của Liên minh châu Âu. Nếu không gỡ được sẽ kiềm chế xuất khẩu thủy sản, một trong những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. |
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu trong các lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng lớn. Ví dụ trong nông nghiệp cần đẩy mạnh chế biến để tăng giá trị gia tăng. Hiện ta xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới sau Brazil nhưng lại chủ yếu xuất thô, kim ngạch rất cao nhưng giá trị gia tăng rất thấp. Theo Bộ Công Thương, nắm bắt xu hướng của thế giới, thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến xuất khẩu xanh để tìm hướng đi bền vững hơn và hiệu quả hơn. |
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương khẳng định: "Tôi cho rằng song song với việc nâng cao năng lực để đáp ứng những tiêu chuẩn mới thì các bộ, ngành liên quan sẽ phải nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đưa ra những tiêu chuẩn, quy định về chuyển đổi xanh, thế nào là xanh đối với từng lĩnh vực cụ thể, thế nào là Bộ chỉ số về chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại." Bộ Công Thương cũng đã xây dựng Bộ chỉ số về năng lực xúc tiến thương mại, nhưng sắp tới Bộ chỉ số đó sẽ được bổ sung thêm những chỉ số về chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại và trong xúc tiến xuất khẩu. Chính phủ đã có chương trình liên quan đến hoàn thiện khung khổ pháp lý từ giai đoạn 2023 - 2027. Các bộ, ngành cũng đã xây dựng chương trình hoàn thiện pháp luật cho giai đoạn 2023 - 2027 liên quan đến chuyển đổi xanh, liên quan đến hoạt động sản xuất gắn với kinh tế tuần hoàn và kinh doanh có trách nhiệm. |
Song song với xúc tiến thương mại, để phát triển thị trường xuất khẩu, các giải pháp sẽ được Bộ Công Thương triển khai thời gian tới là đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Song song với đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định. Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: Bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới… Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch… Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023; Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu… Với các giải pháp đã đề ra, cộng với nỗ lực của doanh nghiệp, trong bối cảnh năm 2024 dự báo sẽ bớt khó khăn hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu, kỳ vọng rằng, những thành tích của hoạt động ngoại thương năm 2024 không chỉ ấn tượng mà còn đóng góp tốt hơn nữa cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. |
-----------------------------------