Luật Giá: Phải toàn diện hơn về quản lý và điều tiết
- Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật Giá gồm 5 chương với 51 điều, quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; người tiêu dùng; hoạt động điều tiết giá của Nhà nước và thẩm định giá. Nội dung cơ bản của dự án Luật Giá gồm: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; nguyên tắc quản lý giá và công khai thông tin về giá; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; hoạt động điều tiết giá của Nhà nước (bình ổn giá thị trường, định giá, hiệp thương giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá); thẩm định giá (quy định chung về hoạt động thẩm định giá, thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định giá của Nhà nước).
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Quốc hội, so với Pháp lệnh Giá (có hiệu lực từ ngày 1/7/2002), dự án Luật Giá đã được hoàn thiện một bước, pháp điển hóa một số quyền, nghĩa vụ tổ chức, cá nhân trong hoạt động về giá và hoạt động điều tiết giá của Nhà nước về thẩm định giá. Nhưng theo Ủy ban TCNS, dự thảo chưa cụ thể, có tới 10/51 điều khoản giao Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành. Với tính chất là đạo luật chung về giá, dự thảo Luật Giá cần bao quát toàn diện hơn những nội dung về quản lý, điều tiết giá, đặc biệt là giá cả các mặt hàng nông, lâm sản.
Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đều cho rằng, về tiêu chí cụ thể của Luật Giá là phạm vi hàng hóa, dịch vụ được xác định khá rộng, chưa tạo căn cứ để lựa chọn đúng mặt hàng phải được bình ổn tại thời điểm giá cả diễn biến bất thường. Đồng thời, việc giao Chính phủ quy định danh mục hàng hóa dịch vụ là chưa hợp lý. Vì vậy, việc luật hóa danh mục này phải bảo đảm tính linh hoạt kịp thời so với diễn biến của thực tiễn. Ngoài ra, để đảm bảo tính minh bạch, cụ thể tạo căn cứ cho điều hành giá cả, giúp doanh nghiệp hoạch định kế hoạch kinh doanh thì việc quy định trong luật về danh mục hàng hóa bình ổn là cần thiết. Căn cứ vào danh mục này, Chính phủ lựa chọn mặt hàng cụ thể để áp dụng bình ổn phù hợp với thời điểm cụ thể.
Về xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc quyền định giá của Nhà nước, việc phân định thẩm quyền định giá và căn cứ, phương pháp định giá, Ủy ban TCNS cho rằng, đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhất định liên quan đến quốc kế dân sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định ngân sách nhà nước, đời sống nhân dân thì Nhà nước nhất thiết phải định giá, kiểm soát và điều tiết. Tuy nhiên, cách xác định tiêu chí hàng hóa thuộc quyền định giá của Nhà nước như trong dự thảo là chưa hợp lý vì mỗi mặt hàng có tầm quan trọng riêng, phụ thuộc vào nhu cầu của lĩnh vực sản xuất, nhu cầu tiêu dùng. Nên nếu không chỉ rõ đó là mặt hàng nào sẽ gây khó khăn trong triển khai áp dụng luật.
Vì vậy, Ủy ban TCNS đề nghị cần quy định cụ thể về tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá. Kèm theo mỗi tiêu chí là loại hàng hóa, dịch vụ tương ứng do Nhà nước định giá. Trường hợp cần điều chỉnh, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định phù hợp với
Quan điểm này của Ủy ban TCNS cũng đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý, bình ổn giá. Theo đại biểu Phúc, dù Nhà nước đã có nhiều biện pháp hạn chế, song tình trạng tư thương “làm giá” nông sản dẫn đến nông dân và người tiêu dùng bị thua thiệt, chi phí đầu vào của các DN tăng, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa nước ta, còn tư thương hưởng lợi chính. Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nói thêm, Nhà nước ít quan tâm đến khâu phân phối nên xảy ra tình trạng đầu ra giá nông sản ở siêu thị, ở các chợ rất cao trong khi người nông dân trực tiếp sản xuất được hưởng rất ít giá trị từ phần tăng đó.
Hoàng Châu