Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết
Bộ Công an xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở theo tinh thần đảm bảo chặt chẽ, công khai minh bạch, rõ ràng có thể thực hiện ngay; không làm tăng tổ chức, biên chế, nhằm hoàn thiện, giảm bớt đầu mối.
Bộ Công an tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (ảnh tại điểm cầu Hà Nội) |
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nhấn mạnh 7 cơ sở chính trị, pháp lý của dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Thứ nhất, việc xây dựng dự án Luật này ra đời nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Cơ sở chính trị, pháp lý cho việc ra đời dự án Luật này dựa trên nhiều văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Bí thư, trong đó mới nhất và tựu chung nhất là Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Vấn đề thứ 2 về sự cần thiết phải ban hành dự Luật này là cần điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất. Có 3 lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là Công an xã bán chuyên trách; dân phòng và bảo vệ dân phố, tổ nhóm ANND. Hoạt động của 3 lực lượng này được quy định tại các văn bản khác nhau, có giá trị pháp lý không cao. Vì vậy, ra đời Luật Bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ thống nhất quy định của pháp luật, quy định rõ vị trí chính trị của 3 lực lượng này.
Thứ 3 là kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể về hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên trách sau khi kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục tham gia bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở. Công an xã ra đời gắn liền với lực lượng CAND, ngay từ khi chính quyền thành lập, lực lượng CAND ra đời năm 1945 thì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, trong đó có Công an xã đã đồng hành với Công an chính quy từ đó đến nay.
Vấn đề thứ 4 về cơ sở ban hành dự Luật này là đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về Nhà nước đảm bảo quyền, lợi ích của công dân. Hiện nay, 3 lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đang được điều chỉnh bởi các văn bản dưới Luật. Theo quy định của Hiến pháp, các hoạt động liên quan đến hạn chế quyền của công dân phải được quy định bằng Luật, trong khi đó, hoạt động của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở thường xuyên có những hoạt động liên quan đến hạn chế quyền của công dân nên phải được quy định bằng Luật để thực hiện nghiêm Hiến pháp.
Thứ 5 là cần sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ ANTT trên địa bàn cả nước theo hướng kiện toàn, tinh gọn, gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Thứ 6, việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT của lực lượng CAND.
Cơ sở chính trị thứ 7 về sự cần thiết của việc xây dựng dự án Luật đó là việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia Bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao, quy định về bố trí lực lượng, hoạt động, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.