Luật sư nói gì về vụ “Tina Duong bị tố lừa đảo chiếm đoạt tài sản”?
Vuasanca đã trao đổi với luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội để làm rõ thêm thông tin liên quan đến vụ việc này.
Hiện, trên mạng xã hộiliên tục có những bài đăng “vạch trần” Tina Duong (tên thật N.T.V.A, SN 1995, quê xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) với nhiều hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ở góc độ pháp luật, thưa luật sư, đây có phải là những thông tin thực sự đáng tin cậy và là bằng chứng để tố cáo cô gái này không?
Theo lời kể của các nạn nhân, V.A đã dàn dựng kịch bản con nhà trâm anh thế phiệt để "lừa đảo". |
Theo quy định tại Điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Theo đó, chứng cứ là phương tiện duy nhất để chứng minh tội phạm, để làm rõ những tình tiết liên quan đến vụ án giúp cho các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết vụ án khách quan, công bằng, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Những tài liệu không được phản ánh ở những nguồn và thu thập bằng các biện pháp theo quy định của pháp luật thì không được coi là chứng cứ chứng minh tội phạm.
Do đó, trong vụ việc trên, các thông tin được lan truyền mới chỉ xuất phát từ một phía, để xác định các thông tin trên có thực sự đáng tin cậy và được làm bằng chứng hay không thì cơ quan điều tra phải tiến hành xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ theo đúng quy định.
Theo các nạn nhân chia sẻ, có người đã gửi đơn đến cơ quan công an tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của V.A. Vậy, luật sư nhận định như thế nào về sự việc này?
Theo các thông tin ban đầu, số nạn nhân bị cô gái này chiếm đoạt tài sản đã tạo thành một nhóm, chứng tỏ quy mô và mức độ nghiêm trọng của hành vi của V.A là rất lớn.
Đối với thông tin có người đã nộp đơn tố giác hành vi của V.A đến cơ quan công an, theo quy định, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của người dân, cơ quan điều tra sẽ tiến hành các nghiệp vụ của mình như thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin, làm rõ trong vụ này có dấu hiệu tội phạm hay không.
Trường hợp có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự căn cứ theo Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Sau thời điểm thực hiện khởi tố vụ án và có đủ căn cứ để xác định V.A đã thực hiện hành vi phạm tội trên thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can theo quy định tại Điều 179 Bộ luật tố tụng hình sự, sau đó, tiếp tục các bước tiếp theo để giải quyết một vụ án hình sự.
Chiếu theo pháp luật, những hành vi của cô V.A như trên vi phạm pháp luật như thế nào và căn cứ nào để xử lý?!
Dưới góc độ pháp lý, lừa đảo là hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi lừa đảo khác với hành vi "lừa dối". Trong quan hệ dân sự, hành vi lừa dối làm cho giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không có yếu tố chiếm đoạt mà có thể chỉ là gây thiệt hại. Hành vi lừa đảo là đưa ra thủ đoạn gian dối khiến người khác trao tài sản rồi chiếm đoạt tài sản.
Thông tin chị N.L cung cấp trên trang cá nhân tố cáo V.A. |
Trong vụ việc này, mặc dù theo phản ánh, số lượng người bị lừa là rất lớn, nhưng hiện tại chưa có thống kê cụ thể đối với giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, nếu đúng như những gì người bị hại cung cấp, đối với hành vi dùng thủ đoạn tinh vi để lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, cô V.A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Tuy nhiên, người bị hại, nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch dân sự, kinh tế phải trình báo sự việc với cơ quan chức năng, đưa ra các tài liệu chứng cứ và phối hợp với các cơ quan chức năng để chứng minh mình là nạn nhân của vụ việc lừa đảo thì mới có căn cứ để xử lý.
Tùy vào tính chất và mức độ hậu quả của hành vi mà cô này có thể đối diện với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Bên cạnh đó, cô V.A còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Công an Bắc Giang xác nhận có đơn tố cáo V.A. Ngày 16/9, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, đã nhận được một đơn trình báo của anh N.H.N (SN 1984, trú tại TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) tố cáo việc bị N.T.V.A. (27 tuổi, quê huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo anh N, ngày 14/2, V.A chủ động làm quen với anh, tự xưng là người của một Cục thuộc Bộ Công an. Sau đó, V.A tạo ra nhiều câu chuyện không có thật để lấy lòng tin của anh N và lừa tiền. Trong đơn tố cáo, anh N cho biết V.A. sử dụng các thủ đoạn, giả mạo tổ chức sự kiện; mượn tiền để xoay xở cho công ty đang kinh doanh; mượn tiền để khám chữa bệnh cho người nhà và mượn vốn để làm ăn, trả nợ. Trong vụ việc anh N tố cáo V.A lừa đảo, anh bị chiếm đoạt 1,5 tỉ đồng. Về vụ việc này, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, sau khi tìm hiểu, xác định việc anh N. chuyển tiền cho V.A diễn ra tại TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và TP.Hồ Chí Minh, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an tỉnh Bắc Giang. Do vậy, Công an tỉnh Bắc Giang đã hướng dẫn anh N. gửi đơn đến Công an tỉnh Bình Thuận và Công an TP.Hồ Chí Minh để được giải quyết theo quy định. |