Luật thuế 71: Thiệt hại lớn cho ngành phân bón
Ảnh hưởng lớn đến cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành sản xuất của Việt Nam, trong đó có phân bón. Bên cạnh đó, phân bón còn đang phải chịu những khó khăn do tác động của Luật Thuế số 71.
Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Khoản 1, Điều 13 Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội quy định, phân bón là mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) kể từ ngày 1/1/2015. Do đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định) dùng cho sản xuất phân bón, toàn bộ chi phí này phải tính vào chi phí sản xuất, khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao. Không ít nông dân đã chuyển qua dùng phân bón nhập khẩu do giá cả cạnh tranh hơn.
Luật thuế 71 gây khó khăn cho ngành phân bón (Ảnh: TTXVN) |
Số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, kể từ năm 2015, khi thực hiện Luật thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6,1%... so những năm trước đó khi còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. Nghịch lý này xuất hiện hoàn toàn ngược lại so kỳ vọng ban đầu của Chính phủ là giảm giá bán phân bón, mang lại lợi nhuận cho người nông dân.
Thực tế, ngay sau khi Luật 71 có hiệu lực, năm 2015, do sức cạnh tranh kém hẳn so với hàng nhập khẩu, sản lượng phân bón tồn kho cuối năm tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, tồn kho phân đạm ure tăng 2,4 lần, tồn kho phân DAP tăng xấp xỉ 02 lần (trong đó tồn kho của hai doanh nghiệp sản xuất trong nước tăng 23 lần). Cũng Theo Luật Thuế 71, thuế GTGT lại giảm 5% đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu, qua đó giúp phân bón nhập khẩu có lợi thế về giá so với phân bón sản xuất trong nước. Chưa kể, do hầu hết các nước như Indonesia, Malaysia, Philipines, Nga, Trung Đông và đặc biệt là Trung Quốc có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp nên sản phẩm phân bón có giá cạnh tranh. Điều này dẫn đến thực tế là việc cạnh tranh giữa phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước ngày càng khốc liệt và khoảng cách ngày một nới rộng theo hướng có lợi cho phân bón nhập khẩu.
Đặc biệt, theo ông Phùng Hà, việc áp dụng Luật Thuế 71 còn làm tăng tổng mức đầu tư các dự án sản xuất phân bón mới, dẫn đến các doanh nghiệp sẽ không "mặn mà" đầu tư sản xuất các loại phân bón thế hệ mới, với các tính năng ưu việt hơn như phân bón tan chậm, phân bón điều khiển tan, phân bón nhiều tính năng... Doanh nghiệp phân bón khó khăn, Nhà nước cũng thất thu do không thu được thuế VAT với cả hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.
Sớm sửa Luật để gỡ khó cho ngành phân bón
Trước những khó khăn của ngành phân bón, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ, Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi Luật Thuế 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014, bổ sung một số điều luật về thuế theo hướng đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế VAT ở mức 0 - 5% để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Bộ Công Thương khẳng định, việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VTA đã gây nhiều ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 của Luật Thuế số 71/2014/QH13, phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp... là những mặt hàng không chịu VAT, có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế VAT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế VAT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Trên cơ sở đó, toàn bộ chi phí phát sinh được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản xuất phân bón.
Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi Luật 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều luật về thuế theo hướng đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế VAT ở mức 0 - 5% để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Theo một nghiên cứu của FAO, cùng với các yếu tố về giống, thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp… thì phân bón đóng góp tới trên 40% cho việc nâng cao năng suất cây trồng. Do đó, chính sách thuế cần có sự thay đổi để phù hợp với tình hình và đúng với định hướng chiến lược phát triển ngành phân bón của Chính phủ. Đồng thời, mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.