Lượng vải thiều vào Nam tiêu thụ tăng mạnh
Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2015 tại TP.HCM ngày 10/6.
Ông Bùi Văn Hạnh- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang- cho biết, năm 2015 diện tích trồng vải tại Bắc Giang hiện có 32 ngàn ha, sản lượng đạt 160 ngàn tấn qủa tươi, thấp hơn năm 2014 khoảng 30 ngàn tấn, trong đó sản lượng vải thu hoạch sớm đạt 25 ngàn tấn, vải chính vụ là 135 ngàn tấn, thu hoạch từ 1/6 đến 20/7/2015. Lượng vải thiều của Bắc Giang tiêu thụ nội địa chiếm 60%, tương ứng 96 ngàn tấn; xuất khẩu 64 ngàn tấn.
Theo ông Hạnh, vải thiều Bắc Giang trước đây chủ yếu tiêu thụ qua Trung Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á nhưng hiện gặp rất nhiều bất lợi và không ổn định. Hàng năm thị trường miền Nam tiêu thụ khoảng 65% sản lượng vải Bắc Giang vì vậy sự giúp sức của các DN, chợ đầu mối và người tiêu dùng miền Nam trong vụ vải thiều năm nay là hết sức quan trọng.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương- ông Vũ Doãn Quang cho biết, vải thiều Hải Dương đang rất cần “đầu ra” khi mùa vải đã vào vụ thu hoạch. Vải thiều Hải Dương tiêu thụ 50% sản lượng tại thị trường TP.HCM và các tỉnh miền Nam. Về xuất khẩu vải Hải Dương hiện đang duy trì các thị trường truyền thống (Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore) và mở rộng sang thị trường mới như Mỹ, Úc, Nhật, EU nhưng số lượng chưa được nhiều như mong đợi. “Vải thiều đến vụ chín rất nhanh nếu không được tổ chức tốt khâu tiêu thụ chắc chắn sẽ bị dồn ứ số lượng lớn ngay tại vườn”- ông Quang nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, năm 2014 TP.HCM tiêu thụ 60 ngàn tấn vải thiều, năm nay dự kiến tăng lên 80 ngàn tấn. Với kinh nghiệm và sự nhiệt tâm của mình các DN, nhà phân phối và các chợ đầu mối của TP.HCM sẽ vào cuộc với tinh thần quyết liệt nhất để giúp người dân Bắc Giang và Hải Dương tiêu thụ nhanh mùa vải đang chín rộ.
Bà Trịnh Diệp Thanh Thảo- Phó giám đốc Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức- phản ánh, để tổ chức tiêu thụ vải thiều vụ mùa năm 2015, mỗi ngày ban quản lý chợ đều gửi cho tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tình hình giá cả chợ đầu mối và thông tin của 37 thương nhân kinh doanh mặt hàng này tại chợ Thủ Đức để nhà vườn, DN phía Bắc giao thương thuận lợi. Năm nay chợ Thủ Đức dành 33 ô vựa để tiêu thụ vải thiều và tổ chức lực lượng bốc xếp hùng hậu để tránh việc dồn ứ hàng.
Tính từ ngày 17/5 đến ngày 10/6, chợ Thủ Đức đã tiêu thụ được 11.500 tấn vải, giá từ 16 – 22 ngàn đồng/kg. Để trái vải có giá và dễ dàng bán buôn, bà Thảo cho biết, trước đây vải thiều đựng trong hộp xốp nên độ tươi kéo dài đến 3 ngày, năm nay nhiều DN đựng vải trong giỏ nhựa hoặc thùng gỗ nên độ tươi của qủa vải chỉ được trên dưới 1 ngày, điều này đã làm cho trái vải giảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Năm 2014, Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn có 5 điểm kinh doanh vải thiều và tiêu thụ được 6000 tấn, năm nay tăng thêm 10 điểm bán và dự kiến sản lượng sẽ tăng tùy theo nhu cầu của thị trường. Đại diện Chợ đầu mối Hóc Môn đề xuất, trên các thùng đựng vải thiều nhà sản xuất nên ghi xuất xứ, dán logo, nhãn hàng VietGAP để tiểu thương và người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc hàng, đây cũng là cách làm để tăng thêm chất lượng, giữ giá bán tốt cho vải thiều.
Chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, để tổ chức tiêu thụ 250 ngàn tấn vải trong một thời gian ngắn rõ ràng không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng với tinh thần nỗ lực hợp tác giữa các địa phương trồng vải với TP.HCM, Hà Nội và các địa phương để tìm “đầu ra” cho trái vải trong thời gian qua là rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, để đặc sản vải thiều được tiêu thụ một cách bền vững và dài lâu thì phải tính xa hơn, tổ chức tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước là cần thiết nhưng mở rộng thị trường nước ngoài mới là quan trọng, vì nó làm tăng thêm giá trị cho sản phẩm.
“Vải thiều trong nước giá 10- 30 ngàn đồng/kg, khi xuất khẩu giá 16,5 USD/10 trái. Để xuất được vải sang Úc, Nhật Bản, chúng ta mất 5-10 năm chuẩn bị, vì vậy chúng ta phải tổ chức sản xuất ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, xuất khẩu bền vững. Căn cứ trên thực tế, Bộ Công Thương sẽ chủ trì và triển khai xây dựng thí điểm chương trình sản xuất- chế biến- tiêu thụ theo chuỗi nhằm giảm bớt tình trạng dồn ứ hàng hóa mỗi khi đến mùa vụ đồng thời làm tăng thêm giá trị”- Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.