Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt ở 163 quốc gia |
Theo thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại, năm 2015, ngành thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã xuất khẩu sang 163 quốc gia, đạt kim ngạch 1,9 tỷ USD. Mặc dù chỉ chiếm 1,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng ngành này lại có ý nghĩa rất lớn khi giải quyết hơn 11 triệu việc làm trên cả nước.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - cho rằng: Để tăng cường năng lực cạnh tranh và vị thế cho các doanh nghiệp, việc tập trung xây dựng thương hiệu ngành hàng thông qua các hoạt động thiết kế đóng vai trò ngày càng quan trọng, đặc biệt là với ngành thủ công mỹ nghệ - một trong những ngành có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.
Tại Việt Nam, chiến lược phát triển ngành thủ công mỹ nghệ được thực hiện từ hơn 10 năm trước. Tuy nhiên với thế mạnh mà ngành thủ công mỹ nghệ đang có, cần phải có những cách thức xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu cho ngành này để tạo ra những giá trị khác biệt. “Nâng cao năng lực thiết kế chính là chính là yếu tố quan trọng để tạo đột phá, đưa ngành thủ công mỹ nghệ vượt qua ngưỡng phát triển của 10 năm qua” - ông Lang nhấn mạnh.
Đến từ Công ty THANHS, bà Đặng Thanh Vân - Chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu - cho rằng: Để xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ cần đặc biệt lưu ý tới nhóm khách hàng mục tiêu. Cụ thể là: Hệ thống các cửa hàng kinh doanh thủ công mỹ nghệ, hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng theo phong cách truyền thống, khách nước ngoài tại Việt Nam…
“Cùng với việc sử dụng thông điệp và hình ảnh ấn tượng để nói cho khách hàng biết những khác biệt của sản phẩm; doanh nghiệp cần nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa địa phương, thương hiệu vùng miền thông qua việc để du khách có những trải nghiệm thực tế như tham quan làng nghề, thử làm sản phẩm…” – bà Vân chia sẻ.
Du khách nước ngoài trải nghiệm thực tế ở làng gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội) |
Ví dụ về những thành công của Sri Lanka trong thiết kế sản phẩm mang tính khác biệt “không chỉ đẹp mà nhìn vào là biết của Sri Lanka”, Giáo sư Claus Christian (Trường Thiết kế Lund, Thụy Điển) nhấn mạnh: Việt Nam là một quốc gia đông dân tộc, với những nét bản sắc văn hóa đa dạng, người Việt Nam lại rất khéo léo, chính vì vậy, các nhà thiết kế Việt Nam không cần phải copy để giống sản phẩm của quốc gia nào mà, hãy tích cực tìm cho mình một cách đi riêng để tạo ra nét độc đáo cho những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.
Thực tế, hoạt động thiết kế trên thế giới đã có từ rất lâu đời và quyết định phần lớn đến giá trị, thương hiệu của sản phẩm. Hàng năm, chính phủ các nước phát triển đều dành một khoản từ GDP đầu tư cho thiết kế (Đan Mạch 0,0016% GDP, Phần Lan 0,0032% GDP). Riêng năm 2015, chính phủ Anh đã đầu tư 18 triệu USD để hỗ trợ phát triển thiết kế cho các công ty ở Anh - ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Việt Nam - thông tin. Nhờ có thiết kế, doanh thu, cổ phiếu của các công ty có thiết kế đều tăng gấp 2 lần. Thiết kế không chỉ mang lại giá trị về tiền bạc, mà hơn thế nó còn góp phần không nhỏ trong việc quảng bá tên tuổi, văn hóa của nhiều đất nước đến với bạn bè thế giới.
Từ thực tế của Việt Nam, cũng như quá trình đi thực tế ở nhiều trung tâm thiết kế của các nước, ông Lê Bá Ngọc đề nghị: Chính phủ phải vào cuộc bằng việc thiết lập chính sách thiết kế quốc gia (bao gồm cả chính sách thiết kế ở cấp tỉnh/vùng). Đặc biệt, tập trung phát triển hệ thống các cửa hàng xây dựng thành công thương hiệu ngành hàng thủ công mỹ nghệ (Vietcraft Excellence) ở các trung tâm du lịch cả nước để quảng bá hình ảnh ngành và hình ảnh quốc gia. Với các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, thay vì chỉ dừng lại ở việc xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu, cần tăng cường đầu tư cho công tác thiết kế để tăng giá trị cho thương hiệu.