Lý do cần giảm giờ làm đối với người lao động dưới 48 giờ/tuần
Trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, rà soát, đánh giá, đề xuất chính sách giảm giờ làm đối với người lao động.
Sẽ giảm giờ làm đối với người lao động dưới 48 giờ/tuần |
Điều này nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn về quá trình nâng cao năng suất lao động của Việt Nam hiện nay và trình độ phát triển của đất nước.
Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số đại biểu Quốc hội cũng đã có kiến nghị về giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần nhằm sớm thực hiện Nghị quyết số 101 của Quốc hội.
Tại diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024", diễn ra cuối tháng 5/2024, đã có đại biểu đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm thời gian làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và 40 giờ/tuần cho phù hợp, theo kịp các nước cùng khu vực.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc giảm giờ làm giải quyết nhiều vấn đề như: Tái sản xuất sức lao động, làm cho người lao động khỏe hơn, nhiều năng lượng hơn; giúp người lao động bảo vệ sức khỏe.
Luật lao động hiện hành quy định lao động làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Doanh nghiệp có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho lao động biết.
Thống kê của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), hầu hết quốc gia đã áp dụng chế độ 40 giờ, thậm chí dưới 40 giờ. Khảo sát 154 nước chỉ có 2 nước có số giờ làm việc trên 48 giờ mỗi tuần; 1/3 số nước áp dụng 48 giờ giống Việt Nam và khoảng 2/3 các nước có 48 giờ trở xuống.