Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết vừa tiếp nhận báo cáo của Công ty Honda Việt Nam về tiến độ thực hiện các chương trình triệu hồi sản phẩm liên quan đến các dòng xe ô tô Honda.
Theo đó, từ ngày 3/10/2014 đến ngày 31/3/2024, Honda Việt Nam đã triển khai 15 chương trình triệu hồi đối với các dòng xe ô tô của hãng. Trong đó, có 3/15 chương trình đã hoàn thành, đạt tỷ lệ 20%.
Liên quan đến tỷ lệ hoàn thành các chương trình triệu hồi ở mức thấp, trả lời phóng viên Vuasanca , đại diện Honda Việt Nam cho biết, trong quá trình thực hiện các chương trình triệu hồi, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp chưa ghi nhận trường hợp gây mất an toàn nào cho người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam.
“Honda Việt Nam luôn nỗ lực đặt sự an toàn và hài lòng của khách hàng lên hàng đầu. Trong quá trình thực hiện các chương trình triệu hồi xe, chúng tôi đã thực hiện các biện pháp thông báo đến khách hàng như: Đăng tải trên các kênh thông tin chính thức của Honda Việt Nam (website, fanpage, ứng dụng MyHonda+) và trực tiếp liên hệ (gọi điện, nhắn tin, gửi thư điện tử) với khách hàng thông qua hệ thống cửa hàng ủy nhiệm”, Honda Việt Nam thông tin.
Trong gần 10 năm, Honda Việt Nam đã triển khai 15 chương trình triệu hồi, trong đó đã hoàn thành 3 chương trình |
Doanh nghiệp cũng cho biết, trong tất cả các chương trình triệu hồi, chi phí cho việc kiểm tra, sửa chữa, thay thế các phụ tùng bị ảnh hưởng đều do công ty chi trả. Đối với các xe nhập khẩu qua các cơ sở nhập khẩu không chính hãng, trong trường hợp khách hàng mang xe đến các nhà phân phối ô tô Honda, công ty vẫn sẵn sàng giúp đỡ kiểm tra các thông tin liên quan.
Tuy nhiên, theo Honda Việt Nam, tỷ lệ hoàn thành các chương trình đạt thấp bởi nhiều trường hợp doanh nghiệp không thể liên hệ với chủ sở hữu xe, hoặc chủ sở hữu đã bán lại cho người khác mà không lưu lại thông tin cá nhân của người mua mới.
Theo thống kê của Honda Việt Nam, trong gần 10 năm, doanh nghiệp đã triển khai 15 chương trình triệu hồi, trong đó đã hoàn thành 3 chương trình, 12 chương trình còn lại tỷ lệ thu hồi đều đạt trên 90%.
“Với các trường hợp này, Honda Việt Nam đã và đang thực hiện các biện pháp để hoàn thành chương trình triệu hồi như: Hợp tác chặt chẽ với hệ thống cửa hàng ủy nhiệm để theo dõi khách hàng khi đến cửa hàng sử dụng dịch vụ. Nếu xe của khách hàng nằm trong danh sách triệu hồi, Honda Việt Nam sẽ hợp tác với cửa hàng để giải quyết vấn đề khi có thông báo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam để thông báo khi khách hàng đến đăng kiểm xe”, đại diện Honda Việt Nam khẳng định.
Thống kê từ dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, trong năm 2023, các nhà sản xuất, phân phối ô tô tại Việt Nam đã triển khai đến 39 đợt triệu hồi ô tô các loại, với tổng số xe bị triệu hồi lên đến 53.324 chiếc, tăng gấp đôi so với năm 2022 cả về số lượng vụ triệu hồi cũng như lượng xe bị ảnh hưởng.
Theo đó, ô tô "lãnh án" triệu hồi tại Việt Nam trong 2023 liên quan đến nhiều bộ phận, chi tiết khác nhau như trục lái, hệ thống phanh, hệ thống điện, hệ thống điều hòa, hệ thống nhiên liệu, dây an toàn, túi khí và phần mềm điều khiển...
Đáng chú ý, không chỉ ô tô hạng phổ thông, ngay cả những dòng xe hạng sang có giá bán hàng tỷ đồng cũng gặp hàng loạt sự cố khiến nhà sản xuất, phân phối phải triệu hồi để khắc phục miễn phí nhằm đảm bảo an toàn, quyền lợi cho khách hàng.
Theo thống kê, năm 2023, Mercedes-Benz - hãng xe sang bán chạy nhất Việt Nam trong những năm qua chính là hãng xe có số vụ triệu hồi nhiều nhất tại Việt Nam. Cụ thể, Mercedes-Benz đã triển khai đến 9 đợt triệu hồi xe trong năm 2023, với số lượng xe bị ảnh hưởng lên đến 8.866 xe.
Ngoại trừ xe điện mới phân phối, hầu hết các dòng sản phẩm xe Mercedes-Benz tại Việt Nam đều gặp những vấn đề khác nhau dẫn đến việc phải triệu hồi để khắc phục. Thậm chí, ngay cả dòng SUV bán chạy nhất của hãng tại Việt Nam - Mercedes-Benz thế hệ mới vừa ra mắt tại Việt Nam vào tháng 5/2023 cũng gặp vấn đề và 2 lần phải triệu hồi để khắc phục.
Ford xếp thứ 2 khi đã thực hiện tổng cộng 6 vụ triệu hồi xe trong năm 2023. Tuy nhiên, số lượng xe Ford bị ảnh hưởng trong các đợt triệu hồi này chỉ khoảng 6.300 xe, trong đó chiếm đa số là mẫu Ford Explorer và Transit.
Vị trí thứ 3 thuộc về một hãng xe sang đến từ Đức. Theo đó, Audi là cái tên đã triển khai đến 5 vụ triệu hồi xe tại Việt Nam trong năm 2023 với số xe bị ảnh hưởng là 891 chiếc trong đó chủ yếu là các mẫu Audi A6, A7, Q2 gặp các lỗi về cảm biến nhiên liệu cũng như thiết kế.
Hai hãng xe bán chạy nhất Việt Nam là Hyundai và Toyota đều đã triển khai 4 vụ triệu hồi xe trong năm 2023. Tuy nhiên, so với Toyota chỉ ảnh hưởng gần 600 xe, Hyundai lại dẫn đầu thị trường về số lượng xe triệu hồi khi có tới 23.754 xe đã "lãnh án" triệu hồi trong năm 2023. Trong đó, vụ triệu hồi xe có số lượng xe bị ảnh hưởng nhiều nhất do Hyundai triển khai vào tháng 2/2023 liên quan đến 17.670 chiếc Hyundai Santa Fe sản xuất trong khoảng thời gian từ 30/1/2021 đến 15/10/2022. Các xe này được xác định bị lỗi liên quan đến bộ căng dây đai an toàn hàng ghế trước.
Ngay cả thương hiệu xe siêu sang Bentley tại Việt Nam cũng lọt vào danh sách này với 3 vụ triệu hồi tương ứng 37 xe bị ảnh hưởng. Như vậy, có thể thấy, số lượng xe sang, xe siêu sang tại Việt Nam bị lỗi đang có chiều hướng gia tăng trong năm qua. Việc triệu hồi phần nào thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, phân phối ô tô với những sản phẩm bán ra tại Việt Nam.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, thực hiện vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã và đang tích cực giám sát các chương trình triệu hồi do các hãng xe thực hiện. Đồng thời, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và các bên liên quan, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo, những người tiêu dùng đang sử dụng sản phẩm thuộc diện triệu hồi chủ động liên hệ với các hãng xe để tham gia chương trình.