Lý Sơn bứt phá đi lên
Vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế
Huyện đảo Lý Sơn gồm đảo Lớn là hai xã An Vĩnh và An Hải, đảo Bé là xã An Bình, có tiềm năng lớn về đánh bắt, dịch vụ hải sản, du lịch và trồng trọt. Xuất phát từ thực tế đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/10/2013, Bộ Công Thương đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm, với mục tiêu cung cấp điện ổn định, chất lượng phục vụ nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) được giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án.
2014 là năm đặc biệt với nhân dân Lý Sơn khi điện lưới quốc gia xuyên biển đã ra đảo. Đây là điều kiện cơ bản để Lý Sơn bước vào giai đoạn phát triển mới. Mục tiêu phát triển của Lý Sơn là theo hướng trở thành đô thị biển xanh, sạch đẹp, văn minh. Đảng bộ và nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống đội hùng binh năm xưa, ý thức rõ trách nhiệm lịch sử của Đảng và Nhà nước giao, tiếp tục vận động và tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân kiên trì vươn khơi bám biển ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc.
Đến nay, toàn huyện có 409 phương tiện tàu thuyền, với tổng công suất đạt trên 55 ngàn CV; sản lượng khai thác hải sản hàng năm trung bình 37 ngàn tấn. Năm 2014, khai thác được gần 40 ngàn tấn, tăng gấp 10 lần so với năm 1993; riêng 3 tháng đầu năm 2015, khai thác được trên 8 ngàn tấn, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả đó là nhờ ngư dân huyện đảo không ngừng hiện đại hóa tàu cá, bám các ngư trường truyền thống ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dài ngày để làm ăn và tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc.
Trong sản xuất nông nghiệp, năm 1993, sản lượng nông sản thu hoạch chỉ đạt trên 125 tạ/ha/năm, thì những năm gần đây, sản lượng thu hoạch cao gấp đôi. Việc sản xuất các loại cây trồng truyền thống trên đảo như hành, tỏi, bắp, đậu xanh…, từng bước được cơ giới hóa. Năm 2014, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đảo đạt hơn 304 tỷ đồng.
Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn
Ngoài đặc sản hành, tỏi nổi tiếng thơm ngon, Lý Sơn còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa lâu đời và danh lam thắng cảnh độc đáo, giúp huyện đảo trở thành điểm thu hút du lịch hấp dẫn trong vài năm trở lại đây. Từ một huyện đảo xa xôi, cách trở, Lý Sơn đã trở thành điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2014, Lý Sơn đã đón trên 36 ngàn lượt khách du lịch đến tham quan; riêng quý I/2015, có gần 16 ngàn lượt khách ra thăm đảo, tăng 12,5 ngàn lượt khách so với cùng kỳ 2014. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2014 đạt 765 tỷ đồng, tăng 17,4% so với năm trước; riêng quý I/2015, giá trị sản xuất đạt gần 200 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân GDP đầu người năm 2014 đạt 18,7 triệu đồng.
Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn: Thời gian tới, huyện sẽ tập trung xây dựng chiến lược phát triển dựa vào tiềm năng và thế mạnh sẵn có, kết hợp đầu tư có hiệu quả các nguồn lực huy động; xác định phát triển kinh tế biển là chủ đạo, bên cạnh duy trì các cây trồng truyền thống; đặc biệt, kết hợp phát triển du lịch - dịch vụ và thương mại… để Lý Sơn bứt phá đi lên. |
Ngoài chú trọng phát triển các ngành nghề kinh tế, huyện Lý Sơn còn coi trọng việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh. Nhiều công trình phúc lợi đã được đầu tư trong những năm qua như: Đường giao thông, bệnh viện, trường học, chợ, cảng cá, vũng neo trú tàu thuyền, kè chống sạt lở, các phương tiện vận tải, thông tin liên lạc... Nhờ đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên đảo không ngừng phát triển. Tuyến giao thông huyết mạch nối đất liền với đảo Lớn và đảo Bé thông suốt, rút ngắn thời gian hành trình.
Kinh tế, xã hội ổn định, đời sống người dân không ngừng được nâng lên đã góp phần củng cố và giữ vững quốc phòng - an ninh trên hòn đảo tiền tiêu này. Từ sau ngày giải phóng đến nay, diện mạo các khu dân cư trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc. Hàng trăm công trình phục vụ dân sinh được nhà nước đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đang phát huy hiệu quả, giúp người dân làm ăn và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng; củng cố hệ thống chính trị, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ trẻ kế cận luôn được lãnh đạo huyện quan tâm, từng bước thực hiện có hiệu quả; đời sống văn hóa tinh thần và dân trí không ngừng được nâng cao; công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, đầu tư.
Lý Sơn hiện có 4 di tích cấp quốc gia, 1 di sản phi vật thể cấp quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa khác cộng với danh lam thắng cảnh độc đáo là tài sản vô cùng quý báu để phát triển du lịch. Hạ tầng, dịch vụ cho du lịch từng bước được đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại, nghỉ ngơi và phục vụ du khách. Vì thế, Đảng bộ Lý Sơn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện để tập trung đầu tư phát triển trong những năm tới.