“Nổ” thực phẩm bảo vệ sức khỏe như “thần dược”
Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân đang quảng cáo, rao bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang mạng với tên gọi sữa tăng cân, giảm cân, tăng chiều cao và được thổi phồng công dụng như “thần dược”, có dấu hiệu lừa dối người dùng vì mục tiêu thu lợi.
Khảo sát trên các trang mạng, hàng loạt những thông tin quảng cáo “nổ” về công dụng của các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe, khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận thông tin. Theo đó, các loại thực phẩm này được quảng cáo có công dụng giúp người uống tăng cân 5-7kg trong vòng hơn 2 tháng, hay tăng chiều cao từ 4-5 cm chỉ sau 3-4 tháng sử dụng.
Dùng sữa mẹ vẫn là tốt nhất cho trẻ nhỏ |
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, những loại sản phẩm này sự thật là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng các tổ chức, cá nhân kinh doanh đã tự “thay tên, đổi họ” thành sữa tăng cân, tăng chiều cao,... Hơn nữa, sản phẩm dinh dưỡng này chỉ góp phần hỗ trợ chứ không tăng cân hay tăng chiều cao nhanh như những lời quảng cáo hoa mỹ như trên.
Hiện có nhiều thông tin đăng tải trên các website quảng cáo “nổ” công dụng của sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe như “3 tháng tăng > 3-5cm. Cam kết hoàn tiền bé không chịu uống sữa” hay như “Sau uống 90 ngày - Bé cao lên được 3-5cm...”.
Phóng viên liên hệ thông qua website, một nữ nhân viên tư vấn: “Bên em bán sữa trên website cho 63 tỉnh thành. Dòng sữa bên em cải tiến mới, nhập nguyên liệu sữa non tại Hoa Kỳ đóng gói tại Việt Nam. Sữa có hàm lượng canxi chiết xuất từ tảo biển đỏ cao gấp đôi, gấp 3 lần các dòng sữa hiện nay”.
Không chỉ liên tục giới thiệu về thành phần, nữ nhân viên này còn quảng cáo “trên trời” về công dụng của sản phẩm trên. Đáng nói, nhân viên này tư vấn và khẳng định chắc như đinh đóng cột là chỉ cần sử dụng sản phẩm từ 3-4 tháng, trẻ sẽ tăng từ 4-5cm.
“Sản phẩm bên em được các nghệ sỹ, bác sỹ chứng nhận nên an toàn, anh chị yên tâm. Về phát triển, nếu dùng 2 hộp anh chị cảm nhận 1 tháng bé tăng ít nhất 0,5-1cm, nếu sử dụng 3 tháng thì tăng 4-5cm”, nữ nhân viên này “nổ” về sản phẩm sữa giúp tăng chiều cao thần tốc.
Không chỉ các sản phẩm sữa tăng chiều cao, đánh vào tâm lý của các bậc phụ huynh, nhiều đơn vị còn quảng cáo sữa tăng cân cũng như một loại “thần dược”. Trên website: thể hiện thông tin quảng cáo “Tăng 5-7 kg với 2 ly sữa mỗi ngày”. Tăng 5-7kg cho người gầy lâu năm…”.
Trong vai khách hàng, phóng viên liên hệ thông qua website một nữ nhân viên giới thiệu: “Sữa bên em nhập khẩu thành phần sản xuất theo công nghệ từ Mỹ. Bây giờ đặt hàng qua bưu điện, kiểm tra đủ hàng mới thanh toán tiền. Sữa bên em cam kết không có chất ảnh hưởng sức khỏe, không tích nước, tăng mỡ, khi giao hàng có phiếu cam kết 50 triệu đồng kèm theo”.
Nữ nhân viên này cũng “nổ” thêm: “Chất lượng sản phẩm bên em đã được Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế kiểm định an toàn và hiệu quả của sản phẩm. Trên website khách đã trả lời có hiệu quả, không hiệu quả thì thương hiệu lớn như bên em không thể tồn tại được mấy năm được. Mình sử dụng hơn 2 tháng 10 ngày là tăng được 5-7 cân, khách hàng trung bình tăng 4-6 kg. Khi sử dụng comboo mua 3 hộp 650gr tặng 1 hộp, thì việc tăng 7kg không có vấn đề gì lớn cả”.
Trước lời quảng cáo có cánh, phóng viên thắc mắc việc giao dịch qua online và chỉ nhận hàng thông qua đơn vị vận chuyển hàng liệu có đảm bảo chất lượng và có hóa đơn chứng từ để đảm bảo hay không? Nghe vậy, nữ nhân viên trấn an: “Bên em không xuất hóa đơn đỏ, một ngày bên em bán cho khách lẻ rất đông khoảng 300 người. Bên em chỉ xuất hóa đơn bán sỉ, mua sỉ thì phải từ 100 hộp trở lên. Khi mua anh kiểm tra hàng đủ đúng tên thì mới trả tiền, nên anh cứ yên tâm”.
Khảo sát cho thấy, trên các website hay nền tảng mạng xã hội đang quảng cáo, rao bán các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe hầu hết đều đăng tải những thông tin, hình ảnh, clip về việc các bác sĩ, khách hàng chia sẻ về sản phẩm nhằm chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Trong khi đó, việc sử dụng hình ảnh, trang phục của các cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng là không phù hợp với các quy định pháp luật.
Hơn nữa, việc giao dịch mua bán chỉ thông qua hình thức online và khách hàng không biết được địa chỉ cơ sở bán hàng, cũng như kiểm chứng chính xác những thông tin quảng cáo, rao bán trên mạng. Điều này khiến nhiều khách hàng nghi ngại về chất lượng, cũng như công dụng của sản phẩm có đúng như những lời quảng cáo hay chỉ là chiêu câu khách, đánh vào tâm lý của người tiêu dùng.
Hệ lụy việc thổi phồng công dụng sản phẩm trên “chợ mạng”
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phải lên tiếng và chỉ ra vấn đề là nhiều doanh nghiệp đang có tình trạng đăng ký sản phẩm thực phẩm chức năng một đằng, nhưng sản xuất một nẻo. Trong đó, có nhiều đơn vị đã lợi dụng hình ảnh các y bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên để thổi phồng tác dụng của thực phẩm chức năng. Trước đó, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã công khai thông tin trên website của cơ quan này để cảnh báo, nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra phổ biến.
Không chỉ thổi phồng công dụng như “thần dược” có thể tăng cân, giảm cân, tăng chiều cao thần tốc, thời gian qua, nhiều sản phẩm bảo vệ sức khỏe còn được quảng cáo có nguyên liệu nhập khẩu hay hàng Mỹ, Nhật,…. Tuy nhiên, người tiêu dùng không biết được những sản phẩm này có được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu, áp dụng công nghệ Mỹ, Nhật,...thật hay không?
Thực tế cho thấy, hiện nay mạng xã hội phát triển, kéo theo đó là hoạt động bán hàng online trên “chợ mạng” càng ngày càng sôi động. Quá nhiều người bán hàng online, từ đó dẫn đến không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm khi bán ra thị trường và nhiều người bán hàng quảng cáo thông tin không rõ ràng về sản phẩm, gây hiểu nhầm và người tiêu dùng bị rơi vào ma trận thông tin trái chiều về xuất xứ, công dụng của sản phẩm dẫn đến nhiều hậu quả.
Hậu quả nhãn tiền là việc người tiêu dùng bị thiệt hại tài chính, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, ảnh hướng về tâm lý như bực bội, chán nản. Thứ hai, việc này sẽ làm chậm sự phát triển của nền kinh tế, gây ra sự mất lòng tin với người tiêu dùng trong nước và ngoài nước. Theo đó, người tiêu dùng lo sợ vì mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ thông tin, xuất xứ, nên hạn chế hành vi mua sắm hơn và tìm các sản phẩm thay thế.
Thứ 3, những thông tin không rõ ràng về sản phẩm sẽ gây ra sự hỗn loạn thị trường, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng, thiệt hại về kinh tế.
Chưa hết, việc kinh doanh sản phẩm bằng hình thức online rất dễ xảy ra vấn đề thất thu thuế nhà nước. Bởi, việc kinh doanh qua mạng được thực hiện qua rất nhiều phương thức, từ việc đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử, lập các trang web riêng, đến kinh doanh qua facebook, fanpage, zalo, tiktok,... Từ thực tế này, làm sao để thu thuế các hoạt động kinh qua mạng, đưa vào ngân sách nhà nước bình đẳng với kinh doanh truyền thống vẫn đang là một bài toán khó với các cơ quan quản lý.
Chính vì vậy, để kiểm soát được chất lượng các thực phẩm bảo vệ sức khỏe cũng như chống thất thu ngân sách nhà nước, bên cạnh việc tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, các cơ quan quản lý cần đồng loạt vào cuộc nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm xảy ra.