Mắc ca và sachi lên ngôi
Đến năm 2030 Lâm Đồng có khoảng 15.000ha cây mắc ca |
Nghe chỗ nào có hạt mắc ca là họ tìm đến ngay. Đắt mấy họ cũng mua hết… Các cơ sở ở Đăk Lăk và Lâm Đồng vì đã khá nổi tiếng nên nhà buôn biết rõ địa chỉ. Họ đến từ rất sớm. Có bao nhiêu, họ vét sạch…
Tôi gọi điện cho anh Tú ở tít tận Thạch Thành, Thanh Hóa. Anh cho biết, vườn của anh năm nay cũng thu được hơn 2 tấn hạt. Anh phấn khởi lắm! Anh cho biết, đã trồng thêm 1.000 gốc mắc ca nữa. Trồng muộn năm nào là thiệt năm ấy! Ở chỗ anh, có loại cây nào thu nhập cao hơn mắc ca đâu! Lứa mới này chỉ 3 năm sau là sẽ cho quả. Mà mắc ca tới 60 tuổi vẫn cho thu hoạch tốt. Vậy, với 1.500 gốc mắc ca cả cũ và mới, nó sẽ cho gia đình hưởng lợi tới suốt đời!...
Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại cơ cấu của vườn rừng. Rừng đâu chỉ có keo và bạch đàn! Ta có thể xây dựng những vườn rừng bằng những loại cây lấy quả như mắc ca có được không? Nếu là những rừng mắc ca thì đố ai chặt được của họ một cây! Mỗi cây đó, hàng năm cho họ thu tới hàng triệu bạc thì sá gì mà họ không bảo vệ nó đến cùng. Cuối năm vừa rồi tôi sang Úc dự hội thảo về mắc ca. Khắp các châu lục đều đến dự. Họ ước tính, thị trường mắc ca còn sôi động lắm! Chả nước nào chịu chậm chân! Rất nhiều kỹ thuật mới được áp dụng cho ngành trồng và chế biến mắc ca. Việt Nam ta được đánh giá là nước có nhiều triển vọng…
Tiềm năng thì có nhưng lãnh đạo mà không sáng suốt thì dân sẽ mất nhờ. Thực tế những năm qua đã cho thấy, việc gì mà người lãnh đạo chậm chạp thì dân chịu thiệt đủ đường… Vì vậy, cần mạnh dạn bàn bạc dân chủ để sớm đưa mắc ca và một số loại cây khác thành những ngành hàng chủ lực cho chúng ta.
Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã hoàn thành một vườn ươm vào loại lớn nhất Việt Nam tại tỉnh Lâm Đồng để chuyên sản xuất ra cây giống mắc ca đạt tiêu chuẩn tốt nhất. Từ nay, đó sẽ là nơi cung cấp cây giống mắc ca cho bà con cả nước. Giống tốt là yếu tố hết sức quyết định của việc trồng mắc ca. Bà con ta không phải lo việc này nữa.
Vào dịp tết này, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng đã chuẩn bị được một số sản phẩm mắc ca để đưa ra thị trường. Nhưng thật là bất ngờ, chỉ trong chớp nhoáng là hàng hết sạch. Họ tranh nhau mua. Hiệp hội không còn biết lấy đâu ra hạt nữa!
Đại gia đình của tôi có tới hơn 60 thành viên, trong đó có những người rất kỹ tính và có cả người phản đối việc trồng mắc ca. Thế nhưng, khi chúng tôi đưa hạt mắc ca ra thì cả nhà nhất trí: Đó là món ngon nhất của năm nay!
Trong xu thế chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi hiện nay, chúng ta phải cố gắng tìm ra được ưu thế của những đối tượng mà có thể đưa vào sản xuất. Phát huy hết thế mạnh của tiềm năng sinh học là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Dựa trên điều kiện tự nhiên, kể cả những biến động bất thường của thời tiết, chúng ta phải chọn ra được những đối tượng phù hợp và có nhiều triển vọng để tổ chức cho dân sản xuất. Đấy là nhiệm vụ của thời đại…
Trong năm vừa qua, chúng ta cũng tăng cường thử nghiệm với cây sachi đưa từ Nam Mỹ về. Nó rất dễ trồng, dễ sống, không đòi hỏi điều kiện gì khắt khe. Thậm chí, vứt hạt ra bờ bụi thì nó cũng tự mọc lên.
Đó là một loại cây dây leo nhưng thuộc họ thầu dầu. Trồng nó chỉ 6 tháng là đã bắt đầu ra hoa, kết trái. Nó có thể ra hoa quanh năm. Điều kiện đặc biệt hơn là, ta có thể giữ cây tới 30 năm. Nó như cây nho, gốc của nó có thể lưu hàng chục năm mà không cần trồng lại.
Chúng tôi đã đưa sachi ra trồng thử ở nhiều nơi. Chỗ nào cây cũng lên tốt. Sachi trồng để thu lấy hạt. Hạt của nó có hàm lượng dầu rất cao. Trong dầu sachi có chứa rất nhiều các chất axit Oleic, axit Linoleic và axit Alfa Linoleic. Đó chính là omega 3, omega 6 và omega 9. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều chất giàu dinh dưỡng khác. Lâu nay, người ta thu omega 3 từ dầu của cá hồi. Nhưng trong dầu sachi, hàm lượng omega 3 còn cao gấp 17 lần ở dầu cá hồi. Vì vậy, đây là một loại hạt rất quý.
Trong lúc đang loay hoay kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào khâu ép dầu sachi để giúp dân mở rộng sản xuất, chúng tôi tò mò thử rang hạt của nó lên. Không ngờ, hạt đó sau khi được rang chín, nó còn ngon hơn cả lạc rang. Tôi bèn rang thêm nhiều để giới thiệu với bạn bè. Tôi đưa tới tòa soạn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ai ăn cũng thích…
Tết này, tôi lấy mấy cân sachi và rang lên để tiếp khách. Mọi người thích lắm. Ăn xong, họ còn bốc thêm một nắm mang về để giới thiệu cho họ hàng.
Nhà báo Đình Khải, người nổi tiếng về các buổi tường thuật bóng đá trong nước và quốc tế, khi ăn hạt sachi rang, ông rất mê. Ông nói với tôi: “Chưa cần phải nghĩ tới ép dầu gì cả, ông phổ biến nhanh cho dân trồng đi. Trồng quanh hàng rào, trồng trong vườn, trồng trên mọi chỗ đất trống… để lấy hạt mà ăn. Hạt ngon và bổ như thế này thì sao lại không trồng nó…”
Tôi đã đến thăm trang trại của anh Cường, Giám đốc Công ty gạch Thạch Bàn; có trang trại ở Bắc Giang. Nhân một chuyến đi thăm Italia, anh đã mang hạt sachi về. Anh trồng nó trong vườn rồi quên bẵng đi. Khi thấy tôi nói về cây sachi trên truyền hình, anh mới nhớ là mình đã từng trồng nó cách đây mấy năm. Chúng tôi đi tìm nó và ngạc nhiên khi thấy cây sachi của anh đã phủ kín cả mấy cây nhãn cổ thụ mọc quanh đấy. Nó có sức sống phi thường vì còn mang đầy gen hoang dã…
Thiên nhiên còn ban tặng cho chúng ta biết bao loài cây trái quý hiếm nữa. Chỉ có điều, ta phải biết chọn lọc, tìm hiểu, biết xem xét, nghiên cứu, biết lắng nghe các nhà khoa học để đưa ra những hướng đi đúng đắn.
Năm nay là năm con gà. Gà sẽ gáy lên hiệu lệnh để chúng ta quyết tâm, đồng lòng xốc tới, nâng tầm nông nghiệp nước nhà lên một tầm cao mới. Chúng ta cùng hy vọng…