Petronas hy vọng hưởng lợi từ nhu cầu của thế giới với sản phẩm hóa dầu và nhựa.
CôngThương - Theo thông tin mà Thủ tướng Najib Razak công bố trước báo giới ngày 13/5 tại Kuala Lumpur, dự án lọc hóa dầu này của Petronas sẽ có công suất 300.000 thùng mỗi ngày và được đặt tại vùng Pengerang thuộc bang miền Nam Johor. Ngoài ra, Petronas còn có thể xây thêm một cảng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) và tái hóa khí tại khu vực nói trên.
Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016 này sẽ giúp Malaysia cạnh tranh với Singapore - quốc gia láng giềng hiện sở hữu công suất lọc hóa dầu lớn gấp đôi mặc dù không hề sở hữu nguồn năng lượng tự nhiên nào. Malaysia và Indonesia là hai nước sản xuất dầu lửa lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng từ lâu đã chậm chân hơn quốc đảo sư tử trong việc đầu tư vào lĩnh vực hạ nguồn trong ngành dầu khí - lĩnh vực vốn đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
“Dự án mới khẳng định mục tiêu của Petronas muốn nắm bắt những cơ hội mà thị trường năng lượng và hóa chất đầy năng động của châu Á có thể đem lại trong những thập kỷ sắp tới. Những nỗ lực này cũng sẽ tăng cường năng lực và đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu của Malaysia”, Thủ tướng Najib phát biểu.
Số liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, tổng công suất lọc hóa dầu của các tập đoàn Petronas, Exxon Mobil và Royal Dutch Shell tại Malaysia hiện đạt mức 551.700 thùng mỗi ngày. Trong khi đó, tổng công suất lọc hóa của Exxon, Shell, Chevron và Singapore Petroleum tại Singapore lên tới 1,32 triệu thùng mỗi ngày. Đầu vào cho các nhà máy lọc hóa dầu tại Singapore là dầu thô nhập khẩu từ nước ngoài, bao gồm cả dầu từ Indonesia.
Việc Petronas xây dựng trung tâm dầu khí tại Johor là một phần trong chương trình chuyển đổi kinh tế của Malaysia. Theo chương trình này, Chính phủ Malaysia sẽ huy động số vốn đầu tư lên tới 444 tỷ USD, chủ yếu từ khu vực tư nhân, trong thập kỷ hiện tại.