Một thương vụ mua bán và sát nhập không dễ dàng như tưởng tượng.
CôngThương - Lỗ nặng vì M&A
Trên thị trường chứng khoán, đang hình thành hai xu hướng M&A rõ nét. Thứ nhất là sự bắt tay, hợp tác, như Công ty CP Thủy sản Hùng Vương và Công ty Agifish; Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan chào mua công khai 50,11% vốn điều lệ của Vinacafe Biên Hòa. Thứ hai, chào mua công khai, việc thôn tính, dẫn tới các cuộc lật đổ bất ngờ như: Công ty CP Xây dựng Công nghiệp DESCON; Công ty CP Thương mại và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu; //www.hsx.vn/hsx/Modules/Danhsach/SymbolDetail.aspx?type=S&MCty=THGCông ty CP Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang... Bên cạnh đó, M&A còn diễn ra sôi nổi tại một số DN lớn dưới hình thức bán cổ phần cho đối tác chiến lược: EVN Telecom bán hơn 50% cổ phần cho FPT; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam bán 15% cổ phần Ngân hàng TNHH Mizuho (Nhật Bản)…
Thực tế, các vụ M&A chỉ thực sự thành công khi những vướng mắc trong thời kỳ hậu M&A được giải quyết. Nếu không, DN sẽ chuốc lấy thất bại. Đơn cử như trường hợp Công ty Thủy sản Hùng Vương (HVG) mua cổ phần Công ty Thủy sản An Giang (AGF): sau khi M&A, giá cổ phiếu thấp hơn cả ban đầu. Nguyên nhân do nhà đầu tư nghi ngờ về năng lực quản trị của DN. Trước đó, có thể kể đến việc Kinh Đô âm thầm thâu tóm, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu Tribeco lên 35%. Thương vụ M&A này đã không cải thiện tình hình kinh doanh của Tribeco mà còn khiến DN lỗ hàng trăm tỷ đồng, do chủ sở hữu mới không tìm được tiếng nói chung với ban điều hành cũ.
Theo ông Đinh Hoàn – Giám đốc Tư vấn tài chính DN (Công ty Chứng khoán Bản Việt), trong một số thương vụ M&A mà công ty là đơn vị tư vấn, như việc: sáp nhập Công ty CP Mirea với Công ty CP Mirea Fiber, Công ty CP Hà Tiên 1 và Hà Tiên 2… không thể hoàn tất nhanh chóng do vướng nhiều thủ tục hậu M&A. Nếu hai bên thiếu kiên trì thì việc M&A không thành công rất cao.
Xây dựng chiến lược kinh doanh
Ông Ngô Vĩnh Doanh - Giám đốc Công ty Tư vấn tài chính doanh nghiệp AP&P khẳng định, mấu chốt hậu M&A nằm chính ở khâu chuẩn bị trước khi tiến hành mua bán, sáp nhập. Nghĩa là trước khi ký hợp đồng, DN phải chuẩn bị và lên kế hoạch ngay từ giai đoạn xem xét đối với công ty sắp sáp nhập; hoạch định cụ thể kế hoạch hậu sáp nhập làm những việc gì. Bên bán cần phải tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển giao quyền sở hữu và quản lý cho bên mua. Bên mua cũng cần phải thực hiện những quy trình hợp lý để ngăn chặn bên bán không thực hiện đúng cam kết hoặc muốn giành phần kiểm soát DN trong một mức độ nào đó.
Sau khi hoàn tất việc M&A, DN cần có kế hoạch giải quyết tốt các vấn đề, đãi ngộ, quan hệ với đối tác kinh doanh mới, cũng như giao tiếp giữa các bộ phận và công ty thành viên. Thử thách lớn nhất mà các công ty thường phải đương đầu là xây dựng cho được chiến lược thu hút và giữ nhân lực đúng đắn. Bên cạnh đó, xem xét lại chiến lược và kế hoạch kinh doanh để điều chỉnh cho phù hợp. Đánh giá tính khả thi của chiến lược kinh doanh dựa trên các yếu tố: tình hình vĩ mô, sự phát triển của ngành và các yếu tố thị trường.
Ông Doanh cho biết thêm, một thương vụ mua bán và sát nhập không dễ dàng như tưởng tượng. Vì vậy, chiến lược cần có sự tham gia tích cực của các cấp lãnh đạo cao nhất, nhân viên trong DN, cùng sự tham gia của các chuyên gia tư vấn tài chính.