Mạng xã hội hỗ trợ đắc lực việc phát triển truyền thông đa phương tiện |
Lằn ranh mong manh
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cho biết, hiện nay MXH đang phát triển nhanh chóng và trở thành kênh thông tin quan trọng đối với người dùng Việt Nam, là công cụ để các cơ quan báo chí quảng bá và tăng tương tác cho tờ báo của mình. Theo số liệu mới nhất mà Facebook cung cấp, có đến 60 triệu tài khoản tại Việt Nam đang sử dụng Facebook; 40 triệu tài khoản sử dụng Youtube…
Còn với khảo sát của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, những thông tin thời sự và báo chí được người dùng Việt Nam tìm kiếm trên MXH rất nhiều. Các Đài Truyền hình cũng tương tự khi người dùng đang có xu hướng xem lại các chương trình hấp dẫn, gameshow trên Youtube vì có thể xem đi xem lại nhiều lần, chất lượng hình ảnh tốt. Điều đó cho thấy MXH là cánh tay nối dài đưa những thông tin báo chí đến gần hơn với độc giả.
Bên cạnh đó, MXH cũng là nguồn cung cấp đề tài, thông tin cho báo chí. Đặc biệt, với các tính năng mà MXH đang cung cấp như livestream, post hình ảnh kèm lời bình…, việc làm báo thông qua MXH là công cụ quan trọng giúp các cơ quan báo chí đăng tải thông tin một cách hấp dẫn, nhanh nhạy và đa dạng hơn. Đơn cử, báo in có thể đăng kèm video trực tiếp nhờ tính năng livestream; đài tiếng nói trực tiếp livestream trên fanpage song song với phát thanh trực tiếp…
Tuy nhiên, ông Lê Quang Tự Do cũng cho rằng, MXH cũng dễ trở thành "con dao hai lưỡi". Nguyên nhân là bởi rất nhiều nhà báo coi MXH như nguồn chất liệu, đề tài nên sự nhiễu loạn trên MXH như tin giả, tin đồn thất thiệt sẽ khiến nhiều cơ quan báo chí, nhà báo chạy theo đăng tải lại, giảm uy tín của tờ báo. Chưa kể, song song với việc làm lợi cho các cơ quan báo chí, những công cụ như livestream, post hình ảnh kèm lời bình… cũng có thể giúp một người dân bình thường tác nghiệp như một cơ quan báo chí hoặc như một đài truyền hình khi có thể truyền hình trực tiếp; chia sẻ những bài viết, quan điểm với hàng trăm ngàn, hàng triệu lượt đọc.
Với lượt tương tác lớn như vậy, xu hướng người đọc tìm kiếm thông tin trên MXH từ những người có sức ảnh hưởng ngày càng nhiều. Vì với những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, các cơ quan báo chí phải rất thận trọng trong xác định nguồn tin, thẩm định thông tin nên giảm yếu tố nhanh nhạy và kịp thời. Trong khi nhiều người dùng MXH không cần kiểm định thông tin, tung tin ngay và đáp ứng nhu cầu cần thông tin nhanh của người đọc. Và nếu thông tin đưa ra là chính xác thì lần sau, người đọc sẽ lại tìm đến các nguồn tin này, thay vì các cơ quan báo chí, khiến cho lượt đọc từ các cơ quan báo chí chính thống sụt giảm.
Chưa kể, hiện nay, một số người làm báo sử dụng MXH để đăng tải những thông tin sai lệch, đi ngược lại các quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước được thể hiện trên tờ báo mà mình đang công tác, gây tác động tiêu cực đến xã hội.
Cần những quy chuẩn toàn diện
Ông Lê Quang Tự Do khẳng định: "Trong bối cảnh hiện nay, báo chí phải xác định quan điểm cùng tồn tại và phát triển song song với MXH. Không thể đi ngược lại xu thế của thời đại là ngăn chặn MXH để chỉ còn báo chí độc quyền. MXH là thành tựu, tiến bộ của con người trong việc tạo ra các công cụ tiếp cận thông tin nên các cơ quan báo chí phải hiểu điều đó để thích ứng với tình hình mới. Đơn cử như lập fanpage, tăng cường chia sẻ thông tin thông qua Facebook; tăng tính tương tác để nắm bắt nhu cầu thực sự của độc giả… Sử dụng MXH như cánh tay nối dài hay "con dao hai lưỡi" đòi hỏi sự nỗ lực của cả hiệp hội ngành nghề, các cơ quan báo chí và nhà báo".
Cụ thể, với nhà báo, cần phải tự rèn luyện đạo đức, trau dồi năng lực làm báo để có thể biến MXH thành công cụ phục vụ cho mình chứ không phải biến mình trở thành nô lệ của MXH, đưa những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Hiện nay, Luật Báo chí đã quy định rõ trách nhiệm của người làm báo. Điều 5 trong 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo được Hội Nhà báo xây dựng và ban hành cũng nhấn mạnh: "Nhà báo phải có chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia MXH và các phương tiện truyền thông khác". Do đó, dù nhà báo lên MXH hoạt động như người dân bình thường cũng cần thể hiện trách nhiệm của một nhà báo.
"Dù nhà báo tự coi mình là người bình thường khi sử dụng MXH, nhưng những thông tin mà nhà báo có được chính là nhờ nghề nghiệp của mình. Do đó, vẫn phải có trách nhiệm như người làm báo khi đăng tải thông tin trên trang cá nhân. Bên cạnh đó, nhà báo có sức ảnh hưởng đến một bộ phận độc giả nên việc chia sẻ thông tin cần có sự chuẩn mực trong giữ gìn văn hóa giao tiếp, tương tác. Chưa kể, khi nhà báo sử dụng MXH, người đọc sẽ nghĩ quan điểm của nhà báo chính là quan điểm của tờ báo nơi nhà báo đó đang công tác. Cho nên những quan điểm, chính kiến được chia sẻ không thể đi ngược lại quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước được thể hiện trên tờ báo mà mình đang công tác. Góp ý, phản biện phải trên tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung của cộng đồng, đất nước" - ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
Cùng với việc nâng cao vai trò của nhà báo khi sử dụng MXH, ông Lê Quang Tự Do cũng cho rằng, cần có những bộ quy tắc ứng xử của các hội nghề nghiệp và cơ quan báo chí dành cho nhà báo khi tham gia MXH, bên cạnh các quy định pháp luật hiện hành. Cơ quan Nhà nước cần phải nhanh chóng rà soát để tiếp tục bổ sung, ban hành những quy định quản lý MXH cũng như thông tin trên MXH phù hợp với tình hình mới khi internet và công nghệ phát triển nhanh chóng, các văn bản cũ không còn phù hợp với thời đại mới.