Các đối tượng và tang vật vụ án.
CôngThương - Có người bị hại lo sợ đến mức, khi đối tượng đã bị bắt tạm giam, cảnh sát gọi điện thông báo nhưng họ vẫn tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lừa đảo!
“Chiêu” mới
Thiếu tá Phạm Đức Hà - Đội trưởng Đội 2 (PC50) - cho biết, thủ đoạn của bọn tội phạm là gọi điện thoại qua internet đến điện thoại cố định của người bị hại, xưng là nhân viên của tổng đài VNPT, thông báo số điện thoại đứng tên họ đang nợ cước với số tiền 8.930.000đ. Khi người bị hại thắc mắc, đối tượng chuyển máy cho họ nói chuyện với người tự xưng là cán bộ công an, thông báo bị hại có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền, tiêu cực với số tiền rất lớn. Khi biết người bị hại có tiền gửi ở ngân hàng, chúng khai thác thông tin chi tiết bị hại mở tài khoản ở ngân hàng nào và yêu cầu phải rút toàn bộ số tiền này ra để gửi vào tài khoản của đối tượng (với lý do chuyển cho cơ quan công an để điều tra).
Cũng theo ông Hà, đối tượng lừa đảo thường yêu cầu bị hại không được thông báo cho ai thông tin này, kể cả gia đình, con cái. Nhiều người bị hại là người cao tuổi, nhận thức hạn chế nên rất lo sợ và răm rắp làm theo các yêu cầu của đối tượng lừa đảo, nên mới xảy ra chuyện ngay cả khi cảnh sát bắt được đối tượng lừa đảo, thông báo cho người bị hại biết, nhưng có người vẫn tiếp tục gửi tiền vào tài khoản lừa đảo. Đối tượng thường chọn thời điểm cuối giờ trưa hoặc cuối giờ chiều, khi những bị hại (thường là người cao tuổi) ở nhà một mình. Khi “con mồi” tỏ ra sợ hãi, chúng tập trung “quây” bằng nhiều mánh khóe.
Nâng cao ý thức cảnh giác
Mới đây, ngày 1.11, bà L.T.P (trú tại Tây Hồ, Hà Nội) trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền 2,35 tỉ đồng, dưới hình thức bị đối tượng gọi điện đe dọa bà nợ cước điện thoại và nói chứng minh thư của bà P có liên quan vào vụ tiêu cực với tổng số tiền 16 tỉ đồng.
Đối tượng yêu cầu bà P chuyển tiền vào 8 tài khoản Ngân hàng Techcombank do đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt. Bà P đã rút tiền tiết kiệm và chuyển vào các tài khoản của các đối tượng với số tiền 2,35 tỉ đồng.
Ngày 7.11, Phòng PC50 (CATP Hà Nội) đã xác lập chuyên án, đấu tranh, đã làm rõ nội dung vụ án và các đối tượng có liên quan, bao gồm: Vũ Văn Đại, Nguyễn Trọng Đức, Đỗ Đình Phương, Nguyễn Xuân Độ, Trần Nguyên Bình, Trần Xuân Hòa. Nhóm này khai, tháng 4.2014, thông qua mạng facebook, nhóm “Việc làm tiếng Trung”, Đại nhận phiên dịch cho 2 đối tượng người Đài Loan tại Hà Nội. Quá trình đi phiên dịch, 2 đối tượng này bàn bạc và thuê Đại dùng chứng minh thư giả để mở tài khoản ngân hàng, đồng thời hướng dẫn Đại thực hiện theo 6 bước.
Theo cách thức được hướng dẫn, Đại thuê các đối tượng Độ, Đức, Bình, Hương, Hà đi chụp ảnh rồi giao ảnh cho Đức, Đức tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm để mua CMND sau đó về bóc ra dán ảnh của chúng vào, Đức dán vào 80 CMND do Đức mua của đối tượng Phương với giá 1 triệu đồng/30 cái. Sau đó chuyển lại CMND giả đó cho Độ, Hòa, Bình, cùng với sim điện thoại của mạng Mobiphone để đến 3 ngân hàng mở tài khoản và làm thẻ Visa, Mastercard… Đại sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để chuyển các thẻ và sim điện thoại cho các đối tượng người Đài Loan. Tổng cộng Đại và đồng bọn đã làm được 146 tài khoản thẻ và thu lợi bất chính khoảng 500 triệu đồng. Quá trình đấu tranh khai thác mở rộng vụ án xác định các đối tượng còn gây ra 9 vụ án khác với tổng số tiền gần 6,6 tỉ đồng.
Phòng PC50 khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng…. Cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng internet, nhất là các trang mạng xã hội. Các trường học cần khuyến cáo học sinh, sinh viên không tùy tiện chuyển giao quyền sử dụng thẻ cho người khác, tránh bị kẻ xấu lợi dụng…