Margin có thể đang ở mức cao nhất trong 3 năm
Dư nợ margin tăng mạnh
Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, margin tại ACBS nói riêng và margin trên toàn thị trường nói chung có thể đang ở mức đỉnh của 3 năm trở lại đây. Những công ty chứng khoán thuộc Top đầu về thị phần môi giới trong quý II/2016 đều là những công ty có dư nợ margin cao. Tính đến thời điểm hiện tại (19/7), dư nợ margin tại ACBS tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 1.900 - 2.000 tỷ đồng.
Theo ông Cần, tâm lý thị trường khá tốt, thanh khoản tăng và khối nhà đầu tư nước ngoài có động thái giao dịch tích cực nên thị trường duy trì diễn biến tăng điểm ổn định trong thời gian qua, liên tiếp phá vỡ các ngưỡng kháng cự. Trong trường hợp thị trường đột ngột điều chỉnh thì nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro nếu sử dụng margin quá cao, còn các công ty chứng khoán thì không lo ngại bởi hiện tại các công ty đều có hệ thống kỹ thuật rất tốt trong việc quản lý các giao dịch và kiểm soát được nguồn tiền margin, tỷ lệ margin.
Giai đoạn thị trường tăng điểm vừa qua, số lượng cổ phiếu cơ bản vẫn chiếm tỷ lệ margin cao và khả năng đảo chiều đối với nhóm cổ phiếu này là có, song không đáng lo ngại như những cổ phiếu mang tính đầu cơ.
Đứng đầu về cho vay giao dịch ký quỹ hiện nay vẫn thuộc về Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) khi luôn duy trì trên mức 2.500 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Dư nợ margin tại SSI hiện đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng so với tổng mức ngân sách 4.000 tỷ đồng Công ty dành cho hoạt động này.
Một số công ty chứng khoán khác nằm trong Top “margin nghìn tỷ” là Công ty Chứng khoán TP. HCM (HCM), Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Công ty Chứng khoán VNDirect…
Theo các công ty chứng khoán, dư nợ margin đang ở mức cao, nhưng vẫn trong vòng kiểm soát. Thời gian qua, hoạt động cho vay margin được các công ty chú trọng quản lý, định kỳ đưa ra những đánh giá tổng thể để loại ra hoặc thêm vào các cổ phiếu trong rổ được phép sử dụng margin, nếu có sự thay đổi về tỷ lệ hay các mã cổ phiếu thêm bớt, công ty sẽ báo ngay cho khách hàng để khách hàng xử lý.
Việc dùng margin thường phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro và kỹ thuật giao dịch của từng nhà đầu tư, nên bản thân nhà đầu tư sẽ có cách ứng xử phù hợp trong từng giai đoạn của thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc VNDirect chia sẻ, dư nợ margin tại Công ty hiện khoảng 2.000 tỷ đồng, cao hơn so với mức đỉnh cũ (tháng 3/2015) vài trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty vẫn kiểm soát chặt hoạt động cho vay margin và chủ động được nguồn vay.
Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc VCSC cho hay, tại VCSC, dư nợ margin dao động từ 1.100 - 1.200 tỷ đồng. Mức dư nợ này cao hơn so với giai đoạn trước, nhưng cao hơn không nhiều.
“Khi thị trường chạm ngưỡng 650 điểm, chủ trương của VCSC là không khuyến khích nhà đầu tư vay nhiều. Tuy nhiên, là người cung cấp dịch vụ, Công ty cũng đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, ông Bảo nói và cho biết, hiện nay, khẩu vị của mỗi nhà đầu tư mỗi khác nên nhóm cổ phiếu có nhu cầu margin cũng đa dạng. Nhà đầu tư tổ chức tại VCSC chiếm tỷ lệ không nhỏ, nhưng đối tượng này không có nhu cầu vay margin.
Rủi ro mang tính tương đối
Thị trường tăng mạnh luôn đi kèm với margin tăng và theo đó rủi ro cũng tăng. Tuy nhiên, theo các công ty chứng khoán, để xác định lượng margin có gây rủi ro cho thị trường hay không thì cũng chỉ mang tính tương đối, chứ không thể dùng số tuyệt đối là giá trị dư nợ vay/tổng giá trị chứng khoán sở hữu. Thông thường, tỷ lệ này trên toàn thị trường vượt quá 40% và tiệm cận ngưỡng 50% sẽ gây rủi ro cho thị trường. Trường hợp nhà đầu tư liên tục nộp tiền vào để đối ứng với số vay thì hoàn toàn không đáng ngại.
Thời gian qua, việc sử dụng margin tập trung vào các cổ phiếu lớn và những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng. Nguồn cho vay margin của các công ty chứng khoán hiện vẫn dồi dào. Tuy nhiên, có một điểm mà các công ty chứng khoán lưu ý nhà đầu tư đó là giá của nhiều cổ phiếu đã tăng khá cao, từ 20 - 50% so với mức đáy. Chính vì vậy, việc sử dụng margin trong giai đoạn này nên thận trọng và có giới hạn.