Tại Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thậm - Phó Giám đốc Sở Công Thương - cho biết, Sở đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cho mùa mua sắm cuối năm và làm việc với các doanh nghiệp, nhà phân phối chủ lực trên địa bàn tỉnh để chốt các phương án cụ thể. “Về cơ bản nguồn hàng hóa tại địa phương dồi dào, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cho người dân”- ông Thậm khẳng định.
Trên thực tế, trong suốt mấy tháng bùng phát dịch thứ 4, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối tại Hậu Giang đã luôn chủ động phương án cung cấp hàng hóa và đảm bảo đủ hàng thiết yếu phục vụ người dân địa phương. Đơn cử như hệ thống siêu thị Co.opmart ngoài tăng nguồn hàng gấp 3 so với bình thường để linh hoạt cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp còn kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.
Các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chủ lực ở phía Nam đều đang tăng tốc trở lại |
Cùng với Hậu Giang, Sóc Trăng đã rà soát tình hình dự trữ hàng hóa trong thời điểm hiện tại và khả năng cung ứng hàng hoá thiết yếu tại các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ. Bên cạnh đó Sở Công Thương Sóc Trăng cũng có kế hoạch nguồn hàng bình ổn thị trường để đáp ứng nhu cầu hàng hoá thiết yếu theo từng cấp độ dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ địa phương nắm tình hình khó khăn, vướng mắc để phối hợp điều tiết cung ứng hàng hóa được đảm bảo trong thời gian tới.
Với TP. Hồ Chí Minh, theo đánh giá của Sở Công Thương Thành phố, do nhiều loại hình dịch vụ, sản xuất kinh doanh đang khôi phục trở lại nên sức tiêu thụ hàng hóa, lương thực tại các siêu thị, chợ truyền thống đã gia tăng. “Chúng tôi dự báo sắp tới nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ tăng lên. Tuy nhiên thời điểm hiện tại các doanh nghiệp, đầu mối cung đã có sự chuẩn bị nguồn hàng phong phú. Đặc biệt TP. Hồ Chí Minh đã có sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trong vùng Đông- Tây Nam bộ để sẵn sàng cung ứng hàng nông sản với giá hợp lý cho Thành phố”- ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO chia sẻ: Ngay từ khi hoạt động “bình thường mới” trở lại KIDO đã khẩn trương đề ra các kế hoạch cho mùa mua sắm cuối năm. Cụ thể, đối với ngành dầu ăn, KIDO đã chủ động trong vấn đề nguyên liệu và đẩy mạnh lượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng và mùa cuối năm cũng như Tết, với mục tiêu sản lượng tăng 30%. Đối với ngành kem bánh kẹo, KIDO đã tận dụng thời gian giãn cách tập trung vào nghiên cứu R&D, nên sau khi vừa hết giãn cách doanh nghiệp này đã đẩy mạnh tung hàng sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Theo đánh giá của bà Lý Kim Chi- Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), đến nay hầu hết các doanh nghiệp chủ lực của FFA đã hoạt động sản xuất trở lại. Trong đó, nhóm sản phẩm ăn liền như bún, mì phở,… có thể đáp ứng năng lực sản xuất đến 70-80%; ở các nhóm chế biến rau củ quả, sữa, thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm… có thể đáp ứng công suất lên 100%. “Các doanh nghiệp sẽ làm việc tối đa công suất cho phép để phục hồi sản xuất một cách nhanh nhất trong các tháng còn lại của năm”- bà Chi cho biết.
Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa thiết yếu, các doanh nghiệp cũng có những phân tích, đánh giá thị trường và nhận định rằng: Người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm cho Tết truyền thống sớm hơn thường lệ, có thể bắt đầu từ cuối tháng 11, đầu tháng 12. Các nhóm hàng mua sắm tập trung vào quần áo, mỹ phẩm, sản phẩm cho bé… vì nỗi lo dịch bệnh trở lại, lo ngại thiếu hụt hàng hóa hay giao hàng gián đoạn. Trong khi đó, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô hay hoa trái sẽ được mua vào khoảng thời gian cận Tết hơn. Từ những dự báo này các doanh nghiệp cho biết đang có sự điều chỉnh chiến lược tiếp thị cuối năm để phù hợp và đạt hiệu quả hơn.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)