Theo các cơ quan chức năng ở khu vực miền Nam, các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như thuốc lá, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép nhập lậu, sản xuất, chứa trữ để đón đầu mùa mua sắm cuối năm sẽ gia tăng.
Trên tuyến biên giới Tây Nam, theo nghi nhận của lực lượng 389 các địa phương, ngoài thuốc lá và đường cát, các mặt hàng nhập lậu đang gia tăng còn có mỹ phẩm, quần áo, giày dép, rượu bia, nước giải khát, thực phẩm chức năng.
Đại diện Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết, trong 10 tháng năm 2020, lực lượng 389 đã phát hiện 1.950 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu qua biên giới, tăng 30% so với cùng kỳ, tổng trị giá hàng hóa bắt giữ 49,44 tỷ đồng. Tại khu vực biên giới An Giang nước sông rạch dâng cao, các đối tượng dùng bao nilon gói bọc hàng lậu thả trôi theo dòng nước trong đêm gia tăng, mặt hàng nhiều nhất là thuốc lá, mỹ phẩm, rượu bia, nước giải khát.
Tại khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang hàng hoá nhập lậu vào thời điểm này được ghi nhận cũng đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng có nhu cầu tiêu mạnh trong dịp Tết.
Ông Hồng Văn Hoàng - Phó cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tây Ninh - cho hay, tình hình vận chuyển hàng lậu qua biên giới hiện đã được kéo giảm so với trước, tuy nhiên từ nay đến cuối năm hoạt động buôn lậu sẽ diễn biến phức tạp và xu hướng tăng mạnh ở những mặt hàng mà nhu cầu mua sắm Tết tăng cao.
Theo ông Hoàng, tại khu vực các cửa khẩu ở Tây Ninh, hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra nhưng tính chất nhỏ lẻ, do cư dân sinh sống ở biên giới chẻ nhỏ các mặt hàng tiêu dùng từ Campuchia tuồn qua biên giới. Gần đây, một số doanh nghiệp lợi dụng loại hình xuất khẩu hàng hóa quá cảnh như sữa, thuốc lá, rượu bia, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng sang Campuchia, tuy nhiên số hàng này lại đưa vào Việt Nam qua các đường mòn tiểu ngạch và tung ra thị trường. .
Thuốc lá nhập lậu từ biên giới Tây Nam bị lực lượng QLTT thu giữ |
Hàng lậu sau khi vượt qua biên giới Tây Nam được tập kết tại những điểm bí mật và dùng xe tải, xe khách, xe du lịch chuyến đến các thành phố lớn tiêu thụ, nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh. Hàng nhập lậu tuồn vào địa bàn Thành phố hiện không chỉ từ biên giới Tây Nam mà còn có đường hàng không, đường biển và đường bộ từ miền Trung, miền Bắc vào.
Đại diện Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết , từ đầu năm đến nay, lực lượng hải quan Thành phố đã phát hiện hơn 1.000 vụ vi phạm về hải quan, trong đó có nhiều vụ buôn lậu hàng tiêu dùng dưới vỏ bọc là hàng hoá, nguyên liệu dùng để sản xuất.
Chẳng hạn, lực lượng hải quan Thành phố vừa phát hiện Công ty Võ Nguyễn (quận 2, TP. Hồ Chí Minh) khai báo nhập khẩu tấm nhựa PVC từ Hàn Quốc, lô hàng trị giá trên 200 triệu đồng. Nhưng trong container nhập khẩu tấm nhựa PVC, hải quan phát hiện chứa khoảng 6.000 hộp thuốc nhuộm tóc, 600 đôi giày hiệu MLB N, gần 40 kiện hàng dưới dạng quà biếu.
Đại diện Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động vận chuyển, chứa trữ hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường TP. Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều hơn so với trước và dự báo sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm. Trên địa bàn Thành phố, thuốc lá, giày dép, quần áo thời trang, mỹ phẩm, đồng hồ, mắt kính…nhập lậu và hàng giả mạo nhãn hiệu đang được bày bán phổ biến ở các cửa hàng, trên không gian thương mại điện tử, mạng xã hội.
Thực tế cho thấy, hoạt động kinh doanh hàng lậu, hàng giả trên thương mại điện tử và mạng xã hội ở khu vực TP. Hồ Chí Minh xảy ra rất phổ biến, theo đó nhiều khách hàng từng bỏ tiền thật nhưng mua phải hàng giả, thậm chỉ mua hàng nhưng không dùng được.
Đơn cử, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận hàng trăm đơn thư của nạn nhân tố cáo một đối tượng bán cục sạc pin trên Zalo, mỗi chiếc giá 350.000 đồng, khách hàng trả tiền nhưng chỉ nhận được vỏ cục sạc pin. Vụ việc đã được gửi đến cơ quan công an nhưng hiện vẫn chưa có kết qủa xử lý đối tượng lừa đảo.
Ông Nguyễn Viết Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh - cho biết, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội diễn ra ở nhiều địa chỉ bằng nhiều thủ thuật gian lận rất tinh vi. Đã không ít người tiêu dùng dễ dàng sập bẫy của những người bán hàng gian, hàng giả, hàng không đúng chất lượng. Theo ông Hồng, để tránh những trường hợp mất tiền oan khi mua hàng trên mạng, người tiêu dùng cần mua hàng ở những địa chỉ uy tín, có cam kết về chất lượng bằng hóa đơn chứng từ phòng khi xảy ra sự cố thì có bằng chứng để đòi quyền lợi.
Để đẩy lùi hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường từ nay đến cuối năm, đại diện Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh cho biết, lực lượng QLTT, Công an, Hải quan được yêu cầu tăng cường công tác phối kết hợp lập phương án, chia sẻ thông tin về hàng lậu, hàng giả nhằm ngăn chặn ngay từ đầu. Các lực lượng cần tăng cường kiểm soát các đầu mối, tuyến đường vận chuyển, các kho hàng chứa trữ, các trung tâm chuyên kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn. Đặc biệt cần có phương án kiểm soát chặt những mặt hàng như pháp nổ, thuốc lá, bánh kẹo, nước giải khát, rượu bia, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, thực phẩm chức năng…từ nay cho đến thời điểm Tết Nguyên đán 2021.