Miền Tây xứ Nghệ: Đánh thức tiềm năng
Vườn quốc gia Pù Mát
- Tiềm năng lớn
Khu du lịch Vườn quốc gia Pù Mát có tổng diện tích 91.113 ha, trải rộng trên 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn là điểm nổi bật của du lịch sinh thái miền Tây Nghệ An. Đây là vùng bảo tồn thiên nhiên có thảm thực vật phong phú và đa dạng với hơn 2.600 loài đã được xác định, trong đó, gần 50 loài quý hiếm, trên 250 loài cây thuốc có giá trị; hệ động vật đặc hữu, được bảo vệ tương đối tốt, còn giữ được vẻ hoang sơ, nguyên sinh với gần 150 loài thú, 300 loài chim, 25 loài bò sát, 82 loài cá, 15 loài lưỡng thể và nhiều loài động vật đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Trong các khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn quốc gia Pù Mát có nhiều loại gỗ quý, nhiều rừng cây cổ thụ lớn mà ít nơi nào trong khu vực châu Á có được, như rừng cây samu dầu có đường kính 3,4-4,7m. Đặc biệt, do nằm trên địa hình nhiều dãy núi đá vôi kết nối nhau, có đỉnh cao trên 2.700m, nên có nhiều hang động, thác nước đẹp, hấp dẫn như: Thác Kèm ở Trung Chính (xã Yên Khê, huyện Con Cuông), thác Xao Va, thác 7 cấp ở Quế Phong…
Miền Tây còn là khu vực có nhiều di tích lịch sử, văn hóa quý của Việt Nam, như: Di tích thành Trà Lân, bia Mã Nhai, cây đa Cồn Chùa (Con Cuông); di tích hang Bua, hang Thẩm Ồm, Thẩm Chạng (Quỳ Châu); đền Chín Gian (Quế Phong); di chỉ khảo cổ Làng Vạc (Nghĩa Đàn), các di tích lịch sử tại Thanh Chương như đình Võ Liệt, đền Bạch Mã… Đây cũng là khu vực sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số: Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Đan Lai. Vì vậy, khu vực này có lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa lịch sử và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa các dân tộc.
Với những tiềm năng trên, thời gian qua, du khách đã dần biết và đến tham quan du lịch Vườn quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống, thác Xao Va, đền Chín Gian, hang Thẩm Ồm, Thẩm Chạng…
Để tiềm năng không “ngủ”
Để tiềm năng không bị bỏ ngỏ, “ngủ” quên, những năm gần đây, Nghệ An đang tập trung hoàn thành công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch trong vùng, tập trung chủ yếu ở Vườn quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt, Quỳ Châu và Quế Phong. Trên cơ sở quy hoạch được xác lập, tỉnh tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ đón tiếp khách du lịch. Tại Vườn quốc gia Pù Mát tập trung vào các sản phẩm du lịch sinh thái, khai thác tuyến Phà Lài - Khe Khặng vào vùng lõi vườn quốc gia bằng đường sông; tuyến du lịch Thác Kèm; đầu tư dự án nối đường 7 với bản Tùng Hương, mở tuyến đi bộ vào rừng cây cổ thụ ở Pù Xiêm Liệp; tham quan bảo tàng gene, làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Thái ở Yên Thành, Lục Dạ- Con Cuông. Phát triển các sản phẩm thổ cẩm, đan lát, mỹ nghệ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và đặc thù, thu hút khách du lịch, vừa tạo việc làm vừa tăng thêm nguồn thu cho người dân. Tiến hành đầu tư hạ tầng phát triển du lịch vùng Quỳ Châu - Quế Phong, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn xây dựng khu du lịch sinh thái thác Xao Va, phát triển du lịch sinh thái tại các vùng hồ thủy điện bản Mồng, Hủa Na, Bản Cốc; xây dựng đường từ các tỉnh lộ vào khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt.
Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút khách du lịch là giải pháp quan trọng. Theo đó, tỉnh chú trọng xây dựng các tour du lịch sinh thái tại vườn quốc gia Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt; xây dựng các cơ sở dịch vụ theo tuyến du lịch Phà Lài-Khe Khặng, Thác Kèm, đỉnh Pơ Mu, điểm du lịch Khe nước Mọc tại xã Yên Khê; nâng cấp bảo tàng gene động thực vật vườn quốc gia, để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn. Khảo sát mở truyến du lịch rừng cây cổ thụ tại đỉnh Pơ Mu (Tương Dương); xây dựng các làng nghề dân tộc truyền thống tại bản Yên Thành, xã Lục Dạ (Con Cuông), bản Hoa Tiến, xã Châu Thuận (Quỳ Châu); đào tạo nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ...
Hoàng Trinh