Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chỉ đạo công tác chuẩn bị hàng hóa Tết Đinh Dậu 2017 và bình ổn thị trường |
Báo cáo với đoàn công tác, đại diện UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, năm 2016, tổng mức bán lẻ của tỉnh ước đạt 19.370 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2015; xuất khẩu (XK) gặp rất nhiều khó khăn, thị trường XK bị thu hẹp, hầu hết các mặt hàng chủ lực bị giảm sút cả về giá trị và sản lượng. Kim ngạch XK ước thực hiện 79,4 triệu USD, đạt 52,9% kế hoạch và giảm 24,1% so với năm 2015. Kim ngạch nhập khẩu 118,7 triệu USD, đạt 98,9% kế hoạch.
Chuẩn bị nguồn hàng các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2017, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn số 2005/UBND-KTN ngày 23/11/2016 chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch bảo đảm các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân đón Tết Đinh Dậu đầy đủ, chu đáo, an toàn, gắn công tác bình ổn thị trường với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo đó, tỉnh Quảng Bình đã chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa phục vụ tết như: Gạo tẻ 5.500 tấn; gạo nếp 1.800 tấn; thịt lợn 3.000 tấn; thịt trâu, bò 700 tấn; thịt gia cầm 900 tấn; thủy hải sản tươi, đông lạnh 100 tấn; rau củ quả 600 tấn; bánh kẹo 800 tấn; xăng dầu khoảng 12.000m3...
Đoàn đã đi khảo sát một số DN trên địa bàn, như: Siêu thị Co.opmart Quảng Bình, Siêu thị Hiếu Hằng, Công ty TNHH Hà Thọ, Siêu thị Thái Hậu, Siêu thị Diến Hồng, Công ty Xăng dầu Quảng Bình, Công ty TNHH sản xuất thương mại Sư Lý… Kết quả kiểm tra cho thấy, các DN đã chủ động nguồn hàng phục vụ tết, với tổng vốn 157 tỷ đồng. Đặc biệt, các DN đã chủ động mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến các huyện vùng sâu, vùng xa; thực hiện các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, mở các đợt chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng, các hội chợ thương mại ở các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa…
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và đoàn công tác kiểm tra hàng hóa tại siêu thị Co.opmart Quảng Bình |
Về công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, UBND các địa phương đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, nhằm duy trì ổn định thị trường; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau tết về an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, giết mổ; kiểm tra quy định dán nhãn, niêm yết giá, phòng chống cháy nổ…trong thời gian cao điểm từ 10/12/2016 -15/2/2017.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao việc chuẩn bị nguồn hàng tết phục vụ nhân dân và công tác bình ổn thị trường cuối năm của các tỉnh miền Trung. Thứ trưởng cho biết, cùng với việc ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 1/11/ 2016 về thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, trong tháng 11 và 12/2016, Bộ Công Thương đã và đang tổ chức các đoàn công tác làm việc với một số bộ, ngành, địa phương về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết. Năm nay, bên cạnh các hoạt động bảo đảm cân đối cung cầu, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các thành phố lớn đẩy mạnh các hoạt động kết nối các sản phẩm nông sản thực phẩm sạch, an toàn để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp cao điểm.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Tích cực tổ chức các chuyến hàng tết phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi… bảo đảm cho người dân đón tết đầy đủ, an toàn; gắn công tác bình ổn thị trường tết với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến nay, đã có 27/63 tỉnh, thành phố có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, trong đó, 12 địa phương đã có kế hoạch triển khai Chương trình Bình ổn thị trường. |