Miền Trung có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch golf
Tại Giải golf "Chắp cánh nhà đầu tư" (Swing For Investment) 2023 do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức ngày 24/6 tại tỉnh Quảng Nam, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn cho biết, du lịch golf được đánh giá là một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng, đóng góp quan trọng trong việc thu hút khách du lịch chi trả cao, nhất là khách quốc tế đến Việt Nam. Từ đó giúp gia tăng nguồn thu từ hoạt động của ngành du lịch dịch vụ, tạo việc làm cũng như thu nhập cho người lao động.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch golf |
Và với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nơi đây được các chuyên gia đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch golf nhất là về địa hình bán sa mạc, đồi núi hùng vĩ, đường bờ biển dài với các bãi biển đẹp, cảnh quan đa dạng, hệ sinh thái phong phú... Đặc biệt, với các sân golf chất lượng cao kết hợp với các khu nghỉ dưỡng sang trọng, miền Trung Việt Nam có thể trở thành “thiên đường du lịch golf” của cả nước.
“Tuy nhiên, du lịch golf tại khu vực miền Trung vẫn còn nhiều điểm hạn chế như thiếu đường bay thẳng đến các địa phương có sân golf; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, việc liên kết giữa các sân golf, doanh nghiệp lữ hành với sân golf và các hãng hàng không chưa chặt chẽ; chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách quốc tế...”, TS. Nguyễn Anh Tuấn nhìn nhận.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nói trên, ông Tuấn cho rằng cần có sự chung tay hành động từ nhiều phía, trong đó, cả các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và các cơ quan báo chí - truyền thông.
Theo ông Phạm Thành Trí - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, thành phố Đà Nẵng được biết đến là điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam với sân bay gần trung tâm thành phố, khách sạn, nhà hàng sang trọng, sân golf đẳng cấp, nhiều khu tham quan hấp dẫn... Đồng thời, các tỉnh lân cận thành phố Đà Nẵngnhư Huế, Quảng Nam… cũng đã có nhiều sân golf đẳng cấp.
Ông Trí cho rằng, nhà nước cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để sản phẩm du lịch golf Việt Nam cạnh tranh với các nước Đông Nam Á |
Ông Trí cho biết, năm 2023 các tỉnh miền Trung sẽ đón 500.000 khách du lịch golf quốc tế và năm 2026 sẽ đón 2 triệu khách du lịch golf/năm. Đặc biệt, mỗi khách du lịch golf chi tiêu 40 triệu đồng/5 ngày chưa kể vé máy bay.
Để du lịch golf miền Trung – Tây Nguyên phát triển, ông Trí cho rằng, nhà nước cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (20%) để sản phẩm du lịch golf Việt Nam cạnh tranh với các nước Đông Nam Á. Đồng thời, cần phải đào tạo nguồn nhân lực du lịch golf để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch golf quốc tế và trong nước. Trong đó, các Trường Đại học, Cao đẳng ở Đà Nẵng phải mở ngành đào tạo du lịch golf.
Cùng với đó, truyền thông ở Việt Nam thông tin đến cơ quan quản lý nhà nước, người dân hiểu golf là một thể thao và là một ngành kinh tế xuất khẩu dịch vụ: chơi golf, ăn uống, tham quan cho khách du lịch golf quốc tế.
“Cần tăng cường sự kết nối, trong đó, cần ứng dụng mạnh công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu câu lạc bộ golf. Những hoạt động của sân golf này kết nối với sân golf khác”, ông Trí đề xuất.
Tại Giải golf "Chắp cánh nhà đầu tư" ban tổ chức đã trao cup vô địch của giải đấu cho golfer Trịnh Chung. Đồng thời, ban tổ chức cũng đã trao giải Nhất cho các golfer: Nguyễn Văn Long, Nguyễn Tấn Tài, Nguyễn Viết Dũng. Trao giải Nhì cho các golfer: Đỗ Mạnh Hùng, Nguyễn Đức Bình, Đoàn Duy Tân; trao giải Ba cho các golfer: Nguyễn Văn Hùng Visnam, Phan Thị Thắm, Trương Thị Bích Thủy; và nhiều giải phụ khác cho các golfer. |