Miền Trung: Kiên quyết trong việc xử lý các tàu cá vi phạm khai thác IUU
Tăng cường tuyến kiểm soát, mở đợt cao điểm chống vi phạm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Định có 8 vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng cao hơn so với cùng kỳ (3 vụ), làm ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc gỡ cảnh báo và chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra lần thứ 5 của EC.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển nghiêm túc quán triệt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị sơ kết Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được Phó Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Thông báo số 275/TB-VPVP ngày 24/6/2024 của Văn phòng Chính phủ. Đối với nhóm tàu cá chưa đăng ký (tàu cá 3 không), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy sản khẩn trương rà soát, thực hiện kiểm tra lần đầu và hướng dẫn thủ tục đăng ký tàu cá theo quy định hoàn thành trước ngày 10/7/2024.
Trong khi đó, tại Quảng Trị từ ngày 1/7 – 31/8/2024 địa phương này cũng mở đợt cao điểm tăng cường tuần tra, kiểm tra và kiểm soát trên biển; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hữu Vinh đã yêu cầu các đơn vị, tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý các tàu cá cập sai cảng chỉ định; tiếp tục tuyên truyền các quy định liên quan công tác chống khai thác IUU đến ngư dân; rà soát ban hành quy trình vận hành hệ thống giám sát tàu cá; có văn bản hướng dẫn đối với các tàu cá mất kết nối; tăng cường tuần tra, kiểm tra và kiểm soát trên biển, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm IUU; hoàn thiện quy trình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, áp dụng hình thức phạt trực tiếp và phạt nguội về thiết bị giám sát hành trình (VMS) đối với các trường hợp tàu cá mất kết nối trên biển; tiếp tục theo dõi chặt chẽ, tổng hợp và đối khớp số liệu theo dõi, giám sát tàu cá xuất nhập bến, ra vào các cảng cá chỉ định và Trạm kiểm soát Biên phòng ven biển.
Các địa phương ở miền Trung có tàu thuyền đánh bắt thuỷ hải sản trên biển rất nỗ lực trong việc quyết tâm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC. |
Tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quốc Tuấn đã thông tin cụ thể về công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh khi các cử tri rất quan tâm đến vấn đề này.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quốc Tuấn cho biết: “Tỉnh Quảng Bình đã thực hiện rất tốt nhóm khuyến nghị số 1 và 3 nhóm còn lại thực hiện cao hơn mặt bằng chung cả nước, cụ thể: Về hoàn thiện khung pháp lý, tỉnh đã ban hành 4 văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Thủy sản, trong đó, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ ngư dân trả cước phí cho thiết bị giám sát hành trình tàu cá trong 3 năm (từ năm 2024-2026). Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh để thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương, ban, ngành nhằm chung tay với cả nước tháo gỡ thẻ vàng”.
“Tuy nhiên, nhận thức của một số ngư dân chưa đầy đủ về quy định khai thác thủy sản của EC; chưa chấp hành các quy định của pháp luật, vẫn còn một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt để chung tay với cả nước tháo gỡ thẻ vàng. Cơ sở hậu cần nghề cá của tỉnh vẫn còn khó khăn, chưa đủ nguồn lực đầu tư, phương tiện và nhân lực thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế”- ông Tuấn chia sẻ
Kiên quyết xử lý các tàu cá vì phạm
Các địa phương đều có quan điểm, xử lý dứt điểm tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài và kiên quyết xử lý tàu cá mất kết nối hành trình khi hoạt động trên biển.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, đây là đợt tổng kiểm tra lần cuối cho tàu cá phát sinh từ 6 mét đến dưới 15 mét, sau khi kết thúc đợt kiểm tra, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển có trách nhiệm báo cáo danh sách các chủ tàu cá không đăng ký, đưa vào danh sách xả bản.
Đối với nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài (có chiều dài từ 12 đến dưới 15 mét) làm nghề câu mực thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam, hàng năm không về địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy sản làm việc với các chủ tàu cá để yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo chỉ đạo của tỉnh Bình Định, trường hợp tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo chỉ đạo thì tạm thời thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản nhằm chống khai thác IUU; đồng thời tạm dừng việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu cá này, chỉ thực hiện cấp và cấp lại giấy phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu cá này sau khi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Yêu cầu chủ tàu cá cam kết đảm bảo thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu rời cảng đến khi cập cảng để các lực lượng chức năng theo dõi và quản lý. Có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị sở tại (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn , Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng) các tỉnh phía Nam phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu cá này và không làm thủ tục xuất bến đi đánh bắt thủy sản do Giấy phép khai thác thủy sản đã bị thu hồi.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu các đơn vị, khắc phục một số tồn tại hạn chế trong thực hiện chống khai thác IUU gồm: Tình trạng tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản chưa đảm bảo đủ điều kiện, không thông báo trước 1 giờ trước khi cập cảng, khai thác sai vùng, chất lượng nhật ký khai thác không đảm bảo.