Mở lối thị trường Ấn Độ
- Năm 2010, xuất khẩu sang Ấn Độ có bước nhảy vọt, đạt 993 triệu USD, góp phần nâng kim ngạch hai chiều lên 2,754 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu 2 tỷ USD mà hai bên đã đặt ra. So với năm 2009, xuất khẩu của Việt Nam vào Ấn Độ tăng 236%, trong khi nhập khẩu chỉ tăng 6,8%, góp phần nhập siêu năm 2010 giảm từ 1,215 tỷ USD xuống còn 753 triệu USD.
Công tác xúc tiến thương mại và mở thị trường được xem là một nguyên nhân thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là: điện thoại di động, sắt, than đá, cao su, quặng, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, hạt tiêu, cà phê, vải, giày dép, phôi thép... Việt Nam nhập khẩu một số mặt hàng chính từ Ấn Độ gồm: nguyên liệu thức ăn gia súc, ngô, các loại linh kiện điện tử, tân dược, bông, hóa chất, nguyên liệu da giày, sợi, chất dẻo, nguyên phụ liệu thuốc lá…
Ông Nguyễn Sơn Hà – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ - cho rằng, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ là đáng khích lệ. Do đặc thù chế độ chính sách riêng của các bang, chênh lệch giàu nghèo lớn với số dân nghèo 400 triệu, nên các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác nhiều đối tượng khách hàng và thị trường khác nhau.
Tuy vậy, nhập siêu từ Ấn Độ hiện là vấn đề nổi cộm trong thương mại song phương. Trong khi đó, nhiều mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu lại nằm trong danh mục các sản phẩm bảo hộ hoặc bị áp mức thuế rất cao như nông sản: gạo, chè, hạt tiêu, cà phê... Tình trạng nhập siêu của Việt Nam một phần được lý giải bởi thực tế các doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam nhiều nhưng doanh nghiệp Việt Nam sang Ấn Độ rất ít. Hiện ở Việt Nam, giới doanh nghiệp Ấn Độ đã thành lập được tổ chức hiệp hội và hơn 80 văn phòng đại diện.
Theo ông Tạ Hoàng Linh - Phó cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Ấn Độ hiện chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được. Theo ông Linh, hạn chế về hiểu biết thị trường, đối tác cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam vào Ấn Độ chưa phát huy hết tiềm năng. Đẩy mạnh phổ biến thị trường Ấn Độ, mở thêm cơ hội tiếp cận cho doanh nghiệp là một trọng tâm xúc tiến thương mại trong thời gian tới.
Trao đổi thương mại Việt Nam - Ấn Độ hiện có khung pháp lý rất tốt. Ấn Độ đã có công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ, một loạt hiệp định, đặc biệt là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN- Ấn Độ (AITIG), tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam phát huy lợi thế cạnh tranh.
Thêm vào đó, Ấn Độ dành cho Việt Nam ưu đãi hưởng lộ trình giảm thuế sớm 3 năm so với các nước khác trong ASEAN. Đối với Việt Nam, mức thuế áp dụng với hàng hóa có xuất xứ từ ASEAN - Ấn Độ (sử dụng C/O mẫu AI) cao nhất là 18% đến năm 2010 và giảm xuống 0-5% vào năm 2018.
Doanh Chính