Toàn cảnh Diễn đàn |
Nguồn vốn đầu tư khởi nghiệp sáng tạo vẫn khiêm tốn
Ông Từ Minh Hiệu – Cục phát triển Thị trường và doanh nghiệp (DN) Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cho biết: Theo thống kê của tổ chức Topica Founder Institute (TFI), năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về mặt tổng số vốn đầu tư so với năm 2016 (50 thương vụ với 205 triệu USD). Trong số đó, có 8 thương vụ thoái vốn thành công thông qua mua bán và sáp nhập (M&A) trị giá 128 triệu USD. Năm 2015, giá trị đầu tư là 137 triệu USD và giá trị thoái vốn là khoảng 300 triệu USD (do có thương vụ bán Misfit trị giá 260 triệu USD).
Mặc dù có sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽ, nhưng nguồn vốn đầu tư cho DN khởi nghiệp sáng tạo (hay còn gọi là “startup”) tại Việt Nam vẫn tương đối khiêm tốn so với khu vực và trên thế giới. Theo Tech in Asia, năm 2017, khu vực Đông Nam Á đã thu hút 7,86 tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp, như vậy số vốn đầu tư Việt Nam thu hút được chiếm tỷ phần rất nhỏ, chưa đến 5%.
Cũng theo ông Hiệu, số lượng thương vụ đầu tư vào Việt Nam đang gia tăng, song số lượng thương vụ dưới 1 triệu USD chiếm phần lớn. Số lượng thương vụ nhận được đầu tư với số vốn hơn 10 triệu USD còn rất ít. Số lượng thương vụ M&A còn rất nhỏ. Chưa có startup nào tiến hành được IPO.
Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam không thua kém so với thế giới. Theo một nghiên cứu của VCCI trên 60 nền kinh tế thì Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu. "Tuy nhiên khả năng hiện thực hoá ý tưởng khởi nghiệp và đưa ra mô hình kinh doanh thì Việt Nam lại nằm ở 20 nền kinh tế nửa sau”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Cần “bầu sữa” cho khởi nghiệp
Theo Luật sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch LP Group, sau khi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa 2017 ra đời và Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (Startup) có hiệu lực từ ngày ký 11/3/2018, bức tranh về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang dần sáng. Câu hỏi được đặt ra là: Vai trò của việc ban hành chính sách đang đóng góp như thế nào trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo? và Chính phủ cần làm gì tiếp theo để các quy định đi vào thực tiễn, Startup cần làm gì để Việt Nam có những Startup lớn trong tương lai gần?
Ông Từ Minh Hiệu nhận định, hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo hiện đang được từng bước hoàn thiện. Ngoài những chính sách có tác động trực tiếp đến nhà đầu tư, các chính sách liên quan đến phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nói chung cũng rất được chú trọng. Về tiềm năng phát triển của các start up, ông Hiệu cho biết hiện có khoảng 3000 DN KNST với nhiều lĩnh vực tiềm năng như y tế, nông nghiệp, tài chính… Đối với nguồn vốn trong nước, hiện mới có một số ít tập đoàn thực hiện đầu tư vào thị trường này.
Thực tế, vốn cho khởi nghiệp là vô cùng quan trọng. Hiện có khoảng 50 quỹ đầu tư với nhiều hình thức đầu tư cho khởi nghiệp nhưng còn tản mạn và quy mô còn nhỏ. Hệ sinh thái mà đặc biệt là hệ sinh thái tạo ra nguồn vốn cho khởi nghiệp còn yếu. Bởi thực tế vốn cho khởi nghiệp có tính đặc thù.
Để có thể thực hiện hệ sinh thái cho khởi nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần đề cao vai trò của DN lớn. Theo đó, DN đi trước sẽ cấp vốn cho nhà đầu tư khởi nghiệp. "Hãy dành ra những phần vốn đầu tư cho khởi nghiệp”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp - đơn vị Thường trực tổ chức chương trình Khởi nghiệp quốc gia đã tổ chức lễ ký kết hợp tác hỗ trợ Khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2020 với Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp và các doanh nghiệp để hỗ trợ tốt nhất cho các bạn trẻ khởi nghiệp kinh doanh bao gồm Viện Nghiên cứu Phát triển Doanh nghiệp, Ngân hàng Thương mại CP SHB, … |
Ký kết hợp tác về giải pháp thực hiện hóa Chương trình đầu tư Khởi nghiệp |