Mở rộng chương trình đào tạo kỹ sư có khả năng thực hành và sáng tạo
Cuộc họp Tổng kết dự án giữa Bộ Công Thương và Jica |
Theo đó, dự án được khởi động từ tháng 11 năm 2013 với mục tiêu là hỗ trợ trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (IUH) xây dựng mô hình phát triển nguồn nhân lực mới để đào tạo các kỹ sư có khả năng thực hành và sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất Việt Nam. Mô hình này sẽ được xây dựng dựa trên mô hình Kosen của Nhật Bản và trong chương trình đào tạo, sinh viên được giảng dạy theo phương pháp giảng dạy tích cực, thực hành trên các trang thiết bị hiện đại, rèn luyện ý thức kỷ luật, an toàn và thực hiện 5S. Đây là dự án trọng điểm của Bộ Công Thương trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
IUH sau khi triển khai thành công trở thành mô hình điểm cùng với dự án triển khai nhân rộng ra 5 cơ sở đào tạo khác thuộc Bộ Công Thương gồm: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Trường Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên, Trường Cao đẳng công nghiệp Thực phẩm và Trường Cao đẳng Công thương Phú Thọ.
Phát biểu tại cuộc họp tổng kết ông Nguyễn Văn Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Giám đốc Dự án cho biết: Trong suốt hơn 4 năm triển khai dự án, Bộ Công Thương đã chỉ đạo sát sao các bên liên quan trong việc xác định nội dung, thiết chế bộ máy quản lý dự án cũng như điều phối các hoạt động chuẩn bị thực hiện dự án có hiệu quả. Điều này đã thể hiện tinh thần làm chủ của phía Việt Nam trong việc tiếp nhận các chương trình dự án hỗ trợ kỹ thuật từ phía Chính phủ Nhật Bản.
Ứng dụng CN in 3 D tại trường Cao đẳng CN Huế |
Sau hơn 4 năm triển khai dự án, đến nay đã có 5 chuyên gia dài hạn và 11 chuyên gia ngắn hạn của Nhật Bản tham gia. Với sự hỗ trợ của JICA, phía Bộ Công Thương, IUH cùng các trường tham gia đã có khoảng 115 cán bộ, giảng viên được tham gia các khóa đào tạo, khảo sát học tập tại Nhật Bản về mô hình Kosen. Đặc biệt cùng với thành công của IUH, Bộ Công Thương cũng đã thành công bước đầu trong việc nhân rộng mô hình Kosen đến 5 cơ sở đào tạo khác thuộc Bộ.
Ông Kaikioka Naoki – Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết, dự án này có vai trò quan trọng trong việc cung cấp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp nặng- hóa chất ở Việt Nam, giúp đào tạo ra những kỹ sư có kỹ năng và sự sáng tạo. Tôi mong rằng cùng IUH các trường sẽ tiếp tục duy trì mô hình Kosen trong thời gian tới”.
Mô hình Kosen đã đưa ra 3 nội dung chính đó là: triển khai 5S, đào tạo theo phương pháp PBL và kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Kết quả của dự án đã được các chuyên gia của JICA đánh giá cao trên các tiêu chí: tính phù hợp, tính hiệu quả, hiệu suất, tính ảnh hưởng, tính bền vững. Bên cạnh đó các yêu cầu và mục tiêu của dự án đặt ra như: Áp dụng mô hình Kosen tại IUH tại Thanh Hóa, kết nối doanh nghiệp và liên kết với Chính phủ, cơ quan chức năng nhà nước và các trường cũng đã đạt được…
Sinh viên tham gia học tập tại doanh nghiệp |
Tại cuộc họp phía JICA cho biết, trong mục tiêu tổng thể, 5 năm tới mô hình Kosen sẽ được áp dụng và nhân rộng tại các trường đào tạo trên toàn quốc. Ghi nhận ý kiến này, ông Nguyễn Văn Thảo cho biết “ Hiện Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ Công Thương sẽ mở rộng đào tạo mô hình Kosen đến các trường thuộc Bộ, dự kiến năm 2018 -2019 Bộ sẽ tổ chức đào tạo Kosen đến tất cả các cán bộ giảng viên của các Trường đào tạo thuộc Bộ Công Thương. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn ngân sách nên dự kiến kính phí để triển khai Đề án sẽ sử dụng vốn vay ODA, do đó Bộ Công Thương rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của JICA trong thời gian tới”.
Đây là phiên họp thứ 5 và cũng là phiên họp cuối cùng của dự án. Dự án kết thúc vào cuối tháng 4 năm 2018.