Đồi chề cao nguyên Mộc Châu
CôngThương - Sức hút của Mộc Châu chính là nền văn hóa đặc sắc, đa dạng của nhiều dân tộc, vùng khí hậu đặc thù mát mẻ của thảo nguyên cùng một vùng hồ thủy điện và sông Ðà có thể tổ chức tốt các tour du lịch sinh thái khám phá, mạo hiểm. Ngoài ra, đây còn là vùng cao nguyên với các trại nuôi bò sữa, đồi chè nổi tiếng trở thành sản phẩm du lịch nông nghiệp được khách du lịch rất yêu thích.
Là vùng nằm ở cung cung đường Tây Bắc nổi tiếng với cảnh quan kỳ vĩ, với phương tiện xe máy cơ động, dân phượt có thể rẽ qua được nhiều điểm khác nhau, như chạy qua đèo Hua Tạt- dài 8km nằm trên đường quốc lộ 6 cũ hay ghé thăm rất nhiều ngôi làng xinh xắn ven đường với những vườn đào đã nở hoa, vườn mận trắng ngút trời… vì thế Mộc Châu luôn được xem là thiên đường của dân phượt.
Một lợi thế của Mộc Châu là có cửa khẩu Pa Háng trên biên giới Việt Lào, rất thuận lợi cho việc kết nối với du lịch Lào. Về cơ sở vật chất, hiện nay sản phẩm cao cấp chưa nhiều, nhưng Mộc Châu có khách sạn 3 sao, 2 sao, cùng với các nhà nghỉ cộng đồng thôn bản đảm bảo nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Cùng với bản sắc văn hóa đặc trưng, dịch vụ du lịch được khai thác một cách bài bản, năm 2011, Mộc Châu đón khoảng 350 nghìn lượt du khách, tăng gần 30% so với năm trước, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 150 tỷ đồng, tăng 35%.
Mộc Châu đang là "thiên đường" của dân phượt
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình- Trưởng ban quản lý Khu du lịch Mộc Châu, cho biết, du lịch Mộc Châu phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, do nguồn nhân lực còn thấp, yếu về chuyên ngành, kỹ năng làm hướng dẫn viên, cách làm tour, giới thiệu sản sản phẩm, quản trị nhà hàng, khả năng tiếp cận với các hình thức du lịch còn hạn chế, khả năng tiếp cận CNTT còn hạn hẹp. Ở Mộc Châu, đa số là người dân tộc, bản tính thật thà, chất phác nhưng trong quá tình phát triển, các giá trị văn hóa đặc trưng đã bị mai một đi rất nhiều. Cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân còn khó khăn nên việc phát triển dịch vụ du lịch chưa như mong muốn.
Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, thời gian qua, lãnh đạo địa phương tích cực hỗ trợ cho người dân khai thác các giá trị văn hóa, tiềm năng để phục vụ du lịch, như đã xây dựng CLB các nhà lữ hành có trách nhiệm với cộng đồng, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp đào tạo nhân lực du lịch. Hướng dẫn cho cộng đồng cách làm du lịch, gìn gìn vệ sinh môi trường, văn hóa truyền thống, giúp đỡ, đầu tư xây dựng nhà vệ sinh, hỗ trợ quảng bá văn hóa, du lịch qua tờ gấp tờ rơi, clip, cầm tay chỉ việc như bày bàn ăn, chế biến, tiếp đón khách… cho người dân thôn bản.
Với những hoạt động đó, một số thôn bản thật sự lôi cuốn khá đông khách du lịch, tại đây du khách có thể xem, nghiên cứu, hòa mình với người dân bản, được ngủ với nhà dân, ăn các sản phẩm do người dân làm ra… vì thế đã tăng thời gian nhu cầu lưu trú của du khách. Thông qua đó, người dân thôn bản đã tự tin, tiếp cận với các yếu tố văn minh, tuy nhiên, hiện số bản phát triển du lịch homestay còn khá ít.
Ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh Sơn La đã hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2012. Để đánh thức tiềm năng du lịch Mộc Châu, đưa vùng đất này trở thành điểm nhấn của du lịch Tây Bắc, hiện Mộc Châu đang tập trung ưu tiên xây dựng và triển khai chiến lược sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh, có khả năng cạnh tranh cao về du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao mạo hiểm, khám phá hang động và sông Ðà.Đặc biệt là nâng cao trình độ từ cấp quản lý Nhà nước, tập trung vào đào tạo hướng dẫn viên, quản trị khách sạn nghiệp vụ về buồng bàn, bar, cách thức giao bán dịch vụ… thông qua đào tạo trực tiếp, gián tiếp, đào tạo lại, kết hợp từ Nhà nước với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Mộc Châu cũng đang triển khai chiến lược đầu tư và mời gọi đầu tư, trong đó xác định rõ địa bàn đầu tư trọng điểm là khu trung tâm ở Chiềng Ði, Vân Hồ, rừng thông Bản Áng, thác Dải Yếm, khu ngũ động Bản Ôn, các điểm tham quan nông trường, đồi chè, khu chăn nuôi bò sữa và chế biến chè, sữa, các bản văn hóa dân tộc... Trên cơ sở Nhà nước quy hoạch, đầu tư hạ tầng cơ sở quan trọng bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép, doanh nghiệp và cộng đồng đầu tư các sản phẩm du lịch cụ thể.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch- Nguyễn Mạnh Cường cho biết, để du lịch Sơn La nói chung và Mộc Châu nói riêng phát triển, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của địa phương, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế. Trong thời gian tới, với trách nhiệm của mình, Tổng Cục du lịch sẽ sớm cùng với các ngành, các cấp, các cơ quan giúp Sơn La hoàn thiện các thủ tục, trình tự phê duyệt khu du lịch Quốc gia Mộc Châu. Đặc biệt, Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ Sơn La trong công tác xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước, hỗ trợ trong chuyên môn, đào tạo, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng.