Đồng loạt ra quân
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xe máy ngày càng diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Thống kê của VAMM cho thấy, năm 2018 cả nước có 4.287 cửa hàng có kinh doanh phụ tùng giả, năm 2019 lên tới 4.810 cơ sở.
Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, xử lý tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu là phụ tùng xe máy, xe điện, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã nhanh chóng chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này. Mới đây, lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 7 cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy tại quận 5 và 11. Tại đây, lực lượng chức năng đã thu giữ 33.069 sản phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, trị giá gần 1,1 tỷ đồng. Điển hình, một số sản phẩm có dấu hiệu giả mạo thương hiệu của hãng nổi tiếng thế giới về phụ tùng, phụ kiện xe gắn máy.
Trước đó, Cục QLTT Hòa Bình đã phát hiện 2 cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy tại thị trấn Chi Nê và thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy kinh doanh một số loại phụ tùng xe máy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “HONDA”, và nhãn hiệu “YAMAHA”. Tại Trà Vinh, lực lượng QLTT cũng đã kiểm tra 8 cơ sở, phát hiện và tạm giữ 264 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe gắn máy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Lực lượng cảnh sát kinh tế cũng vừa triệt phá đường dây sản xuất phụ tùng xe máy giả với số lượng khủng tại TP. Hồ Chí Minh, ước tính tổng giá trị hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hơn 1 tỷ đồng.
Lực lượng QLTT đã triệt phá hàng loạt điểm sản xuất, kinh doanh phụ tùng xe máy giả |
Xử lý nghiêm
Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm, kiểm soát mặt hàng này, song theo ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Chánh văn phòng Tổng cục QLTT, khó khăn đối với lực lượng chức năng khi kiểm tra, xử lý đó là hầu hết các cửa hàng tại đây bày bán rất ít nhưng khi khách hàng có nhu cầu, họ sẵn sàng vào kho đem ra bán cho khách. Việc cất giấu hàng cũng là chiêu thức nhằm đối phó với các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Thậm chí, hàng hóa còn được tân trang lại trước khi bán ra thị trường nên rất khó biết được chất lượng của món hàng.
Không chỉ bày bán tại thị trường truyền thống, các đối tượng còn thiết lập một số website như www.vutru.vn; phutunganhem.com; xemayanhem.com… để giới thiệu và đăng bán sản phẩm. Đây là những trang web chưa được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Đặc biệt, trên các website này đa phần đều không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website, thông tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, vận chuyển, giao nhận, phương thức thanh toán, các điều khoản hợp đồng và điều kiện giao dịch chung trước khi khách hàng tiến hành giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử.
“Chúng tôi sẽ xử lý thật nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm, bày bán những sản phẩm gây mất an toàn cho người dân” - ông Nguyễn Kỳ Minh nhấn mạnh.
Để tránh mua phải phụ tùng xe máy giả, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng nên mua hàng ở những đại lý có uy tín được ủy quyền của các nhà sản xuất chính hãng. |