Đường vào thôn Đồng Râm |
Từ thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) đi vào thôn Đồng Râm nay đã có thể di chuyển bằng ô tô một cách dễ dàng. Dọc hai bên đường bê tông dẫn vào thôn là những nếp nhà xinh xắn, những cánh đồng xanh mơn mởn, thi thoảng gặp vài con trâu, bò thong thả gặm cỏ, những đàn lợn thả rông, nghe tiếng còi xe vội vã nối đuôi nhau rúc vào những gốc cây, trái bếp…
Đón chúng tôi trong nếp nhà gỗ giản dị, giữa khung cảnh làng quê thanh bình, Trưởng thôn Đồng Râm – ông Hoàng Văn Ru cười thân thiện: Từ những người dân đầu tiên về đây lập nghiệp vào những năm 80 của thế kỷ trước, đến nay Đồng Râm đã có 98 hộ với gần 400 nhân khẩu. 100% người dân trong thôn đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chủ yếu là người Tày và người Cơ Tu, còn lại là các hộ người Nùng, Thổ, Ve, Tà Riềng…
Mỗi dân tộc đến với Đồng Râm đều mang theo phong tục, tập quán riêng nhưng với tinh thần đùm bọc, yêu thương và nỗ lực xây dựng cuộc sống ổn định trên quê hương mới, cuộc sống ở Đồng Râm đang đổi mới từng ngày.
Thay cho cuộc sống đói nghèo, dựa hoàn toàn vào thiên nhiên hôm nào, nay người dân Đồng Râm đã trồng được đậu, bắp, lúa nước, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Không chỉ chủ động được lương thực, nhiều hộ ở Đồng Râm đã dư thừa sản phẩm để mang đi chợ bán.
Mấy năm gần đây, cùng với sản xuất nông nghiệp, một số hộ ở Đồng Râm còn tham gia góp đất trồng cao su với Công ty Cao su Nam Giang. Bước đầu, giá cao su vẫn đang ở mức thấp, nhưng lao động nào nhanh nhẹn, chịu khó cũng có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Ở Đồng Râm, nhà nọ, nhà kia cứ nhìn nhau mà làm, đất nào trồng cấy được là trồng, nhất định không bỏ hoang hóa. Thời gian nông nhàn thì lên rừng kiếm củi, lấy mây… Chăm chỉ là vậy, nhưng đến nay, Đồng Râm vẫn còn 24 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo, nhiều gia đình mới tách hộ cuộc sống vẫn còn rất khó khăn. Với nỗ lực vượt lên, năm 2017, Đồng Râm có 4 hộ đăng ký thoát nghèo và đã thoát nghèo thành công. Năm 2018 này, Đồng Râm lại có thêm 10 hộ đăng ký thoát nghèo…
Trưởng thôn Hoàng Văn Ru gõ kẻng báo hiệu họp thôn |
Trưởng thôn Hoàng Văn Ru bộc bạch, vẫn còn nhiều vất vả đấy, nhưng người dân ở Đồng Râm không ai phân biệt ai, họ cùng làm chung ruộng, chung rẫy, chung máng nước và cùng chung tinh thần xây dựng làng bản.
Minh chứng cho lời ông Ru kể là hình ảnh chiếc kẻng treo ở trên ngọn đồi giữa thôn (được mua bằng hơn 2 triệu tiền đóng góp của bà con trong thôn). Chỉ với tiếng kẻng báo hiệu của trưởng thôn, cả thôn, ai cũng biết tối nay có họp thôn, hay trong thôn có người mất… từ đó để báo cho nhau biết và cùng lo công lo việc. Thói quen này đã được thiết lập ở thôn Đồng Râm từ nhiều chục năm nay. Chính vì vậy, hễ nhà nào trong thôn có người mất là cả thôn, mỗi người mang 1 bó củi, vài lon gạo đến để giúp. Nhà có đám cưới thì mỗi hộ đóng góp 20.000 đồng để đỡ gia đình trong lúc lo việc lớn cho con cái, Ruộng nhà ai gặp mưa chưa kịp thu hoạch, bà con xắn tay vào gặt giúp… “Tất cả đều là tự nguyện và số tiền, củi, gạo đóng góp cũng không nhiều nên mọi người rất vui vẻ. Cũng nhờ sự chung tay này mà tình cảm thôn, xóm thêm đoàn kết, gắn bó” – ông Ru nói.
Hôm chúng tôi đến thôn Đồng Râm, Trưởng thôn Ru cùng bà con đang chuẩn bị ra mắt Tổ quản lý bảo vệ rừng. Với 87,5 héc–ta rừng tự nhiên còn giữ được, Đồng Râm đang quyết tâm cao trong việc gìn giữ tài nguyên rừng trước nguy cơ rừng bị tàn phá ngày càng nhiều. Tin rằng, bằng tinh thần đoàn kết đã được tạo dựng trong nhiều năm qua…, rừng ở Đồng Râm sẽ vẫn mãi xanh tươi, làm giàu đẹp hơn cho vùng đất với 6 dân tộc anh em đang cùng chung sống.