Một tuần “sóng gió” của gạo Việt
Lùi sát mốc 600 USD/tấn
Các dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, chỉ trong vòng 1 tuần, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã sụt giảm mạnh từ 25-29USD/tấn.
Theo đó, gạo tiêu chuẩn 5% tấm đã giảm mạnh 29 USD/tấn, xuống mốc 609 USD/tấn. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 2 tháng qua và tính từ đầu năm tới nay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 44 USD/tấn.
Không chỉ gạo Việt, tuần này giá gạo của Thái Lan và Pakistan cũng biến động theo hướng giảm, tuy nhiên mức giảm không nhiều. Hiện giá gạo 5% tấm của Thái Lan có giá 611 USD (giảm 12 USD), còn gạo cùng phẩm cấp của Pakistan là 612 USD/tấn (giảm 7 USD). Với mức giảm trên, đây là lần đầu tiên gạo của Việt Nam và Thái Lan có giá thấp hơn Pakistan (hiện gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Pakistan đang cao nhất thế giới).
Việt Nam đang vào vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm |
Ngoài gạo 5% tấm, phân khúc gạo 25% tấm của Việt Nam cũng giảm mạnh 28 USD/tấn trong tuần này và hiện có giá 584 USD/tấn; gạo loại 100% cũng sụt 25 USD/tấn, xuống mốc 508 USD/tấn.
Việc giá gạo xuất khẩu giảm mạnh trong tuần này đã tác động trực tiếp đến giá thu mua lúa trong nước. Theo nhiều hộ nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ ngày 15/2 giá lúa bắt đầu giảm liên tục đến nay đã hơn 1.000 đồng/kg. Người nông dân cũng lo ngại tình trạng giá giảm còn diễn ra bởi ở nhiều địa phương giờ bắt đầu thu hoạch chính vụ lúa Đông xuân.
Vì đâu giá gạo "hạ nhiệt"?
Theo giải thích từ các chuyên gia, giá gạo xuất khẩu "hạ nhiệt" nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý. Theo đó các nhà nhập khẩu gạo biết Việt Nam đang vào vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm nên chưa vội mua vào mà chờ giá tốt. Các chuyên gia nói rằng đây là điều bình thường những năm qua nhưng năm nay do giá gạo Việt Nam ở mức khá cao nên mức giảm mạnh hơn.
“Lượng cung hiện đã dồi dào hơn cuối năm ngoái nên các nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng, với mong muốn giá có thể giảm sâu hơn nữa”- một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết và nói rằng liên tục trong tuần qua nhiều nhà nhập khẩu không đàm phán thêm đơn hàng mới.
Ngoài nguyên nhân trên còn do trong suốt thời gian dài, giá gạo Việt ở mức cao nên nhiều khách hàng nhập khẩu ở Đông Nam Á chuyển hướng quan tâm sang nguồn cung từ Myanmar bởi giá thấp hơn. Được biết nguồn cung này hiện là lựa chọn ưu tiên của các khách hàng châu Phi. Bên cạnh đó còn do Indonesia - khách hàng mua gạo lớn của vừa ký được hợp đồng 500.000 tấn vào cuối tháng 1/2024 với Việt Nam, Myanmar và Pakistan. Nhờ vậy, khách hàng lớn này đã nâng tổng nguồn cung gạo cho người dân đảm bảo đến hết tháng 4.
Trong khi đó, tại nội địa, doanh nghiệp xuất khẩu tuy có hợp đồng lớn với Indonesia, Philippines nhưng họ chưa vội mua vào mà chờ giá tốt, đảm bảo lợi nhuận theo mức ký hợp đồng với đối tác. Nhiều doanh nghiệp cùng thu mua cầm chừng khiến giá gạo nội địa lao dốc.
Tuy nhiên, theo phân tích của các doanh nghiệp thì xu thế này sẽ không kéo dài bởi nhu cầu lương thực của các nước vẫn rất cao nhưng nguồn cung lại hạn chế vì thời tiết năm nay bất lợi trên toàn cầu. Cụ thể như ở Thái Lan, mới đây quốc gia này đã khuyến cáo người nông dân không nên trồng lúa nghịch vụ mà chuyển sang trồng bắp, trồng ngô và đậu phộng vì nguy cơ thiếu nước. Còn Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục cấm xuất khẩu gạo trắng thông dụng cho đến hết năm nay, đồng thời gia hạn vô thời hạn thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ.
Xuất khẩu gạo Việt tăng mạnh cả lượng và giá trị Số liệu Tổng cục Hải quan mới công bố, trong 15 ngày đầu tháng 2/2024, xuất khẩu gạo cả nước đạt 150.944 tấn, với giá trị 104,34 triệu USD. Kết quả trên nâng tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến 15/2 lên 663.209 tấn, với giá trị 466,6 triệu USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 53% về giá trị so với cùng kỳ. Kim ngạch tăng cao hơn lượng nên trị giá xuất khẩu gạo bình quân đầu năm 2024 cũng tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trị giá bình quân đạt hơn 703 USD/tấn, tăng 33,65% (cùng kỳ 2023 chỉ đạt khoảng 526 USD/tấn). |