Tại thị trường rượu giả ở Tam Đa (Yên Phong, Bắc Ninh) dễ thấy có rất nhiều hộ dân vẫn hàng ngày sản xuất rượu cồn mà không cần bất cứ một dụng cụ nấu bếp nào.
Một điều đáng chú ý nữa là, theo anh C. (một chủ bán rượu tại làng Tam Đa), nguồn nhập hàng lớn nhất của anh không phải là những người buôn rượu mà là những người chuyên làm nhãn, mác giả. Hầu như ngày nào anh C. cũng chở hàng đi giao, mỗi lần ít nhất cũng là một ô tô với 20 thùng 200 lít rượu. Anh C. tiết lộ, anh thường "đổ" rượu “nước lã pha cồn” cho một hộ gia đình ở cầu Tó (trên Quốc lộ 70 thuộc địa bàn xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, HN), đây là một nơi chuyên đóng chai rượu phân phối ra thị trường với nhiều nhãn mác giả.
Chị Ban, chuyên “nấu” rượu ở Tam Đa cũng “bật mí”: Nhà chị thường xuyên đổ hàng cho một người phụ nữ ở cầu Bươu (cách đường Kim Giang khoảng 500m).
“Họ làm các loại rượu, chế biến đóng chai, dán mác, rồi lại đem đi đổ cho các quán. Nếu thích rượu gì, mác gì, họ đều in được hết”, chị Ban nói.
1.000 đồng đổi lấy 01 nhãn mác rượu giả
Theo lời chỉ dẫn của chị Ban, phóng viên VTC News đã tìm về “đại bản doanh” nơi chuyên làm tem, nhãn mác rượu giả giữa lòng Hà Nội.
Cầu Biêu mù mịt khói bụi trong một chiều nhá nhem tối, đâu đó vẫn ngổn ngang những thùng phuy đựng rượu vất lăn lóc, chỏng chơ bên vệ đường. Hỏi thăm một nhà bán rượu, chúng tôi được chỉ tới nhà anh chị tên L .– khá nổi tiếng trong giới buôn rượu.
Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những can rượu được xếp bừa bãi xung quanh nhà, trong một không gian chật chội. Những thùng nhựa, can nhựa, dây cao su cũng được xếp đống treo trên tường hoặc để gác trên nóc nhà. “Dấm trắng”, “Nếp cái hoa vàng”, “Rượu nếp thơm, ngon”... những nét chữ nguệch ngoạc ghi tên các loại rượu được viết nhanh, viết vội trên nền thùng xanh, thùng trắng đặt sâu ở trong căn nhà ẩm thấp.
Từ những thùng rượu lớn này, các lò bán rượu sẽ "chế" ra hàng nghìn chai rượu nhỏ với mẫu mã khác nhau
và dán tem, mác mọi thương hiệu tùy theo ý thích khách hàng.
Khi ngỏ ý muốn nhập rượu đóng nguyên đai, nguyên kiện, bà chủ quán nhanh nhảu ra giá: Đóng chai tất cả trọn gói mất 30.000 đồng/lít rượu nếp ngon “hảo hạng”. Nếu lấy loại thường thì giá trung bình là 25.000 đồng/lít.
Băn khoăn với vấn đề nhãn mác, bà chủ này phẩy tay: “Các loại nhãn mác, chị đi làm nhiều rồi! Bất kì thương hiệu nào chỉ cần in một cái là ra. Dễ lắm!”. Thấy chúng tôi vẫn ra vẻ đắn đo, bà chủ tiếp tục mở lời: “Em thích mẫu mã nào, kích cỡ nào, thương hiệu nào cứ nói, bên chị làm trọn gói cho”. Khi khách hàng yêu cầu bất cứ mẫu mã, kích cỡ, thương hiệu rượu nào các ông bà chủ tại Cầu Bươu cũng có thể cung cấp vì "chỉ cần in một cái là ra" với giá 1.000 đồng/mác đóng chỉn chu trên chai rượu.
Loại nhãn mác thông thường mà chị L. thường xuyên gia công thường sử dụng cho những chai rượu nhựa, được đổ vào các chai Lavie hoặc chai thủy tinh loại 300ml, sau đó dán tem, nhãn, mác với đủ các chủng loại rượu đang phân phối rộng rãi trên thị trường từ rượu làng Vân cho tới nếp cái hoa vàng, rượu đục,... Với mỗi loại nhãn mác này, chị tính giá thêm 1.000 đồng so với giá rượu gốc bao gồm: 300 đồng cho 01 cái nắp, mác: 100 đồng/chiếc, băng keo 100 đồng + 500 đồng tiền công.
“Nếu không thích thì tôi mua hộ nguyên liệu cho, về nhà chị tự đóng lấy, tôi sẽ dạy chị cách làm”, chị L. hào hứng nói.
Thoạt nhìn, nhiều người sẽ tưởng đây là chai Vodka thật bởi màu sắc
và thiết kế giống hệt Vodka chính hãng nhưng thay vì đề tên "Vodka Hà Nội",
Vodka nhái này được đổi thành "Vodka Việt - Pháp" và địa chỉ sản xuất không rõ ràng.
Khi chúng tôi chuyển đề tài sang làm rượu giả Vodka, chị L. thẳng thắn: “Vodka thì đầy, mua về mà đóng” nhưng ngập ngừng giây lát như nhận ra điều gì đó bất ổn, chị nói lảng đi: “… nhưng không dám làm như nguyên bản bởi như thế có mà đi tù”.
Anh chồng của chị L. lại trấn an: Nếu khách hàng đặt Vodka thì cửa hàng sẽ “suy tính” để thu gom vỏ chai Vodka thật từ các lò ve chai hoặc dặn dò các cửa hàng uống xong để lại.
Vẫn giữ khuôn mặt điềm đạm, anh này nói: “Vẫn làm được rượu Vodka giả nhưng vỏ vẫn là vỏ Vodka, nắp thì chỉ có thể dán băng keo chụp vào, khi khách mở vẫn có cảm giác như chai rượu chưa từng được sử dụng, chứ không thể làm nguyên đai, nguyên kiện như rượu Vodka thật 100%”.
Vodka Hà Nội: Không có giả nhưng lại tràn lan rượu nhái
Mặc dù hiện nay có rất nhiều cách nhận biểt các dấu hiệu bên ngoài để phân biệt Vodka thật - giả nhưng không ít người tiêu dùng (NTD) vẫn tỏ ra băn khoăn trước tình trạng “vàng thau lẫn lộn” này. Thậm chí, Phó Chủ tịch xã Tam Đa (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) – nơi một thời nổi tiếng với làng nghề nấu rượu truyền thống, ông Nguyễn Văn Hùng cũng không khỏi hoài nghi, đặt câu hỏi: “Giả thì có nhiều loại giả, kể cả rượu Tây cũng có thể làm giả…Khả năng một chai rượu Volka thật chưa chắc đã là rượu thật…?!”.
Với cách làm hàng giả, hàng nhái tinh vi, anh Nguyễn Trường Sơn (dân “nghiền” rượu ở Hải Phòng) "mách nhỏ" anh em cùng giới theo kiểu “phải thử mới biết”: “Vodka thật uống vào êm, có mùi thơm của gạo. Vodka giả, uống sẽ cay cay ở lưỡi, mùi sực lên, hoặc ngai ngái... Nhưng chưa say thì còn phân biệt được chứ say rồi thì… giả thật giống nhau!”.
So sánh 3 điểm khác nhau cơ bản giữa 1 chai Vodka thật (phải)
và một chai rượu Vodka nhái (trái).
Một dân “sành rượu” khác lại chia sẻ: “Ngâm nước đá rồi lấy ngón tay cà nhẹ vào nắp chai. Nếu vết mực in bung ra thì bắt nhà hàng đổi chai khác vì nó đích thị là rượu giả”. Tuy nhiên, trước lời “mách nước” này, có người lại phản bác: “Bác nào cứ làm thử với chai Vodka Hà Nội sản xuất ở La Phù thì rõ, xem cách mà giang hồ đồn đại kia có phân biệt được không?”.
Trên các diễn đàn online, các “đệ tử của Lưu Linh” cũng rôm rả góp lời ý kiến. Một thành viên của diễn đàn ttvn “chỉ giáo”: “Mọi người lộn ngược chai rượu lên: Thứ nhất, thấy rượu sủi tăm li ti. Thứ hai, mọi người lấy khuỷu tay huých vào đít chai, nếu thấy kêu "cạch" thì lúc đó những người uống rượu có thể cạch chén được với nhau rồi!”. Tuy vậy, có thể thấy nhiều NTD vẫn khá mơ hồ với việc phân biệt rượu thật – rượu giả này.
Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Nguyễn Hồng Tiến - Phó phòng maketing Công ty CP Cồn Rượu Hà Nội (Halico - 94 Lò Đúc, Hai Bà Trưng, HN) - khẳng định: “100% không có Vodka giả trên thị trường miền Bắc, có chăng chỉ là hàng nhái”.
Theo ông Tiến, trừ những vùng quê hoặc vùng sâu, vùng xa như Cao nguyên Trung Bộ, Tây Nam Bộ (Sơn La, Yên Bái)… hầu hết, NTD hiện nay đều đã có nhận thức cao, quen thuộc với Vodka Hà Nội nên việc nhận biết hàng thật không phải là việc quá khó khăn.
NSX in trên nắp chai cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết hàng giả, nhái:
Vodka thật: Nét in sắc nhọn (bên phải) Vodka nhái: mực nhòe mờ (bên trái).
Để NTD dễ dàng thấy được sự khác biệt giữa hàng nhái và hàng thật, ông Tiến đã đưa ra các mẫu hàng nhái và làm các phép so sánh rõ ràng, cụ thể. Một số hàng nhái Vodka bằng cách lấy tên công ty khác, nhãn hiệu khác nhưng vẫn sử dụng màu sắc giống hệt Vodka Hà Nội và gây nhầm lẫn với NTD khi vẫn đề chữ Vodka trên nhãn mác sản phẩm.
Một số loại khác lại ghi nhập nhằng ở khâu địa chỉ, có thể không ghi, hoặc ghi chung chung như khu công nghiệp XYZ nào đó nhưng không ghi rõ đường phố cụ thể. Hoặc ghi rõ ràng địa chỉ, nhưng trên thực tế khi đoàn thanh tra của Halico đi kiểm tra thì phát hiện những địa chỉ này hoàn toàn không có thật.
“Thậm chí, có trường hợp ở bên Gia Lâm (HN), họ lách luật bằng cách ghi tiếng Anh “Number 94 Lò Đúc” thay vì ghi “94 Lò Đúc”. Trường hợp này cũng đã được pháp luật truy tố và bắt giữ từ năm 2009”, ông Tiến cho biết.
Vừa qua, đầu năm 2010, một số hãng “cao tay” hơn đã làm giả 100%, nhãn mác như thật. “Nhìn qua mắt thường thấy rất giống, vi phạm cả tên, lấy toàn bộ màu sắc, nhưng chỉ khác một chi tiết nhỏ đó là: Logo in nổi trên cổ chai của Vodka Hà Nội đã bị mài đi hoặc dán tem khác vào”, ông Tiến nói.
Ngoài ra, cách phân biệt rõ nhất mà anh Tiến chỉ dẫn NTD đó là: Nên chú ý tới nắp chai của các loại rượu. Vodka thật luôn ghi ngày sản xuất (NSX) rất sắc nét, nắp chai được nhập từ Pháp về, khi mở ra, vỏ chai sẽ đứt và phát ra tiếng “tách” nhẹ. Còn hàng nhái, khi mở ra, không có tiếng đứt của nhôm, NSX in mờ nhòe.
Sự khác nhau khi NTD thử bóc nhãn mác của 2 sản phẩm rượu Vodka:
Rượu giả, giấy bóc tung trơn tuột (trái) và rượu thật, giấy bám chặt vào thành chai rượu (phải)
Thêm nữa, NTD cũng có thể làm một phép thử đơn giản bằng cách đưa tay bóc nhẹ tờ nhãn mác dán trên thân chai. “Một chai rượu gia công thông thường sẽ dán bằng hồ, còn rượu Vodka chính hãng được dán bằng máy, có gân rất rõ nét nên chỉ có thể xé giấy lem nhem, chứ không thể bóc tung, trơn tuột cả miếng giấy ra giống như rượu nhái được”, ông Tiến so sánh. Ngoài ra, trước khi uống, để cẩn thận, NTD nên thử cạo nhẹ nắp chai. Đại diện của Công ty CP Cồn Rượu Hà Nội khẳng định: “Ở chai rượu giả sẽ phai ra màu sơn, bóc lớp từng mảng còn chai rượu thật sẽ không có hiện tượng như vậy”.
Với hệ thống phân phối sâu rộng trên khắp miền Bắc, cùng với lực lượng chống hàng giả thường xuyên “trinh sát”, điều tra, theo dõi sát sao và đội ngũ đại lý cùng chung tay với công ty chống hàng giả, ông Tiến tin tưởng: Dù cơ sở sản xuất nào đó có làm ra hàng giả thì cũng rất khó để tiêu thụ, kinh doanh, buôn bán rộng rãi trên thị trường.
“Những người tiêu thụ rượu giả có thể lãi được 3.000 – 4.000 đồng/chai nhưng khi khách hàng uống xong, kêu đau đầu, họ sẽ mất đi một nguồn khách rất lớn và khó lấy lại được chữ tín của thương hiệu” – Đó là yếu tố kinh doanh mà bất kì doanh nghiệp nào cũng dễ dàng nhận ra khi có ý định sử dụng rượu giả.
Mẫu hàng Vodka giả, nhái mới phát hiện trong thời gian vừa qua
Tuy nhiên, ông Tiến cũng phải thừa nhận: “Thật ra là cái gì cũng có thể làm giả được” và do lực lượng mỏng, việc kiểm soát hàng giả cũng gặp không ít khó khăn. Ông Tiến hi vọng và khuyến khích bất kể NTD nào khi phát hiện ra hàng giả có thể thông báo cho công ty để phát hiện kịp thời và xử lý, tránh tình trạng hàng giả “hoành hành” trên thị trường, gây hại tới sức khỏe của người dân.
Theo VTC