Thủ phủ công nghiệp Việt Nam đón thêm khu công nghệ thông tin rộng 220ha Các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc thu hút 405 dự án đầu tư |
Nhiều quyết sách quan trọng của Đảng, Chính phủ với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
Ngày 24/5/2024 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh cần ưu tiên bố trí quỹ đất và nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội.
Ông Chu Đức Tâm - Phó Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) |
Trước đó, ngày 3/4/2023, Quyết định số 388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Theo ông Chu Đức Tâm - Phó Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA): Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư một lần nữa khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội. Đặc biệt, tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng đã đề cập nhiều nội dung để bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng về nhà ở cho công dân, phát triển nhà ở xã hội.
Về phía Chính phủ, liên tiếp từ đầu năm đến nay cũng có nhiều cuộc họp về nhà ở xã hội. Tính đến tháng 5/2024. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 40 văn bản liên quan chỉ đạo việc triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Riêng về tín dụng cho triển khai Đề án đã có 14 văn bản.
Cụ thể hơn về mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội và nhà ở công nhân trong giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng Chính phủ, ông Chu Đức Tâm cho rằng: Mục tiêu của chính phủ là có 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024 và đến năm 2030 có ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Kết quả, đến nay cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn, tăng 4 dự án, 6.950 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024. Trong đó mới hoàn thành 75 dự án với quy mô 39.884 căn, tăng 3 dự án, 1.756 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024. Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 dự án với quy mô 115.379 căn. Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 300 dự án với quy mô 262.937 căn, có 4 dự án, 5.919 căn được chấp thuận mới.
“Như vậy vẫn còn rất xa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, trong khi thời gian đến năm 2030 thì ngày càng ngắn lại” – ông Chu Đức Tâm khẳng định và cho biết, trong khi tại các tỉnh, thành phố lớn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An… thì tỷ lệ nhà ở xã hội thấp so với mục tiêu của Đề án.
Tính đến tháng 5/2024. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 40 văn bản liên quan chỉ đạo việc triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội |
Tìm giải pháp hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Nói về nguyên nhân các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội chậm được triển khai, ông Chu Đức Tâm cho rằng: Trước hết phải khẳng định, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hầu như không có bước đột phá nào so với nhà ở thương mại do nhà ở xã hội, nhà ở công nhân không được ưu tiên gì hơn nhà ở thương mại.
“Quy định khung pháp lý và trình tự thủ tục của nhà ở xã hội và nhà ở thương mại như nhau và trong chừng mực nào đó thủ tục nhà ở xã hội còn khó khăn hơn. Số lượng thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội hiện nay đang nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại, bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay vẫn chưa thuận lợi” – ông Chu Đức Tâm khẳng định.
Chưa kể, thời gian thực hiện thủ tục của dự án nhà ở thương mại nhanh nhất là 3 năm, chậm thì 5-7 năm tùy theo pháp lý của dự án đó. Nhưng thời gian thực hiện thủ tục của nhà ở xã hội còn chậm hơn. Để làm nhà ở xã hội, bên cạnh các thủ tục chung như phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư; giao đất, cho thuê đất thì dự án nhà ở xã hội phát sinh thêm các thủ tục về xác nhận các đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội; thủ tục thẩm định giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội. Thế nên việc thực hiện các thủ tục thực hiện nhà ở xã hội kéo dài.
Để người thu nhập thấp có nhà ở, để công nhân khu công nghiệp an cư lạc nghiệp, ông Chu Đức Tâm kiến nghị một số giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, Chính phủ cần rà soát lại các thủ tục, quy trình để giảm bớt thời gian xét duyệt dự án.
Thứ hai, là công tác quy hoạch nhà ở xã hội: Bố trí dự án nhà ở xã hội tại các vị trí thuận tiện về giao thông, gắn với các trung tâm công nghiệp, có đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu. Đặc biệt quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân.
Nhưng thời gian thực hiện thủ tục của nhà ở xã hội còn chậm |
Thứ ba, cần đưa chính sách ưu đãi mua nhà ở xã hội tới đúng địa chỉ là những công nhân, những người lao động có thu nhập thấp.
Thứ tư, Chính phủ dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội quanh các khu công nghiệp để đảm bảo các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận… Hiện, các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai.
Thứ năm, ngoài việc rút ngắn thời gian thẩm định, xét duyệt dự án, cắt giảm các thủ tục và rào cản để phát triển nhà ở xã hội, để xây dựng nhà ở công nhân các cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh quy hoạch nhà ở xã hội gắn liền trung tâm công nghiệp nhà ở công nhân gần khu công nghiệp, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Bên cạnh đó, là vấn đề ưu đãi lãi suất cho nhà đầu tư, cho người xây dựng, người mua nhà ở xã hội và thủ tục để nhận được ưu đãi này. Gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội đã được triển khai. Giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm.
Theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã cải cách thủ tục hành chính, chỉnh lý, rút gọn điều kiện của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay nguồn vốn 120 nghìn tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng thương mại mới giải ngân với số tiền là 1.144 tỷ đồng bao gồm, 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án; 11 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án. Và dường như tín dụng ưu đãi mới chỉ tới được chủ đầu tư, còn những người thu nhập thấp khó đủ điều kiện tiếp cận.
“Vì vậy để người thu nhập thấp có cơ hội có nhà nên mở rộng chương trình cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo chính sách về nhà ở xã hội và lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3 - 5% so với vay thương mại thông thường. Bên cạnh đó, nên sớm xây dựng quỹ phát triển nhà ở, hay quỹ tiết kiệm nhà ở. Mô hình quỹ này đã thành công ở nhiều nước” – ông Chu Đức Tâm kiến nghị.