Muốn hưởng ưu đãi thuế vào EU, gạo phải được cấp giấy chứng nhận trước khi sản xuất
Theo dự thảo này, tiêu chí cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo được xác nhận gồm: Gạo được sản xuất từ giống lúa có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Giống lúa được gieo trồng trên diện tích đất có địa chỉ rõ ràng (tỉnh/thành phố, quận/huyện, phường/xã, tổ/thôn).
Cũng theo tiêu chí được đưa ra, đơn vị xuất khẩu có nhu cầu cấp giấy chứng nhận phải thực hiện thông báo với tổ chức cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo trước khi sản xuất theo mẫu ban hành tại Phụ lục… kèm theo Nghị định này.
Trong quá trình sản xuất phải có sự kiểm tra 1 lần kèm theo tổ chức khảo nghiệm được chỉ định ở giai đoạn trước thu hoạch trong vòng 20 ngày... Và lúa sau khi thu hoạch được phơi, sấy; phải bảo quản, xay, xát, chế biến đóng gói tại cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết việc đưa xác nhận chủng loại gạo vào nội dung quản lý và điều chỉnh của nghị định là quá phức tạp và tốn kém cho doanh nghiệp, Nhà nước cần nghiên cứu những cách quản lý thông thoáng hơn cho doanh nghiệp.
Được biết, mặc dù hạn ngạch xuất khẩu gạo sang EU chỉ 80.000 tấn nhưng gạo xuất qua thị trường này là sản phẩm chất lượng cao. Đặc biệt, các tiêu chuẩn của thị trường EU rất cao nên khi gạo Việt vào được EU thì vị thế sẽ được nâng cao hơn trên thị trường quốc tế. Do đó, phía cơ quan nhà nước cho rằng những tiêu chí đưa ra trong dự thảo Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU là biện pháp cần thiết và đúng yêu cầu của EU.