Giá bán tăng tới 30%
Khảo sát của phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp Online tại thị trường Hà Nội cho thấy, mặt hàng mứt truyền thống năm nay vẫn chủ yếu là các loại như: mứt bí, dừa, hạt sen, gừng, mơ, đào, cà rốt… Một số loại mứt mang hương vị phương Nam như mứt me, mứt hồng đỏ, sơri, các loại quả sấy khô như mít, chuối, khoai lang... năm nay cũng được bày bán nhiều tại thị trường Hà Nội. Tại các cơ sở sản xuất, vẫn là những mẫu mã hộp hình vuông và hộp lục giác… như mọi năm.
Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, song thời điểm này, các cửa hàng chuyên bán ô mai, mứt ở phố Hàng Đường đã thông báo tăng giá khoảng 30% so với năm trước. Cụ thể, mứt dừa tăng lên 80.000 đồng/kg, mứt sen lên 60.000 đồng/kg; mứt bí lên 40.000 đồng/kg; mít sấy khô, ô mai, dâu tây, mận chua cay… đều tăng giá mỗi loại từ 10.000 - 15.000 đồng/kg... Các hộp mứt cũng dự tính tăng thêm 10.000 đồng/hộp.
Nói về nguyên nhân tăng giá, các tiểu thương cho biết, năm nay, nguồn hàng các sản phẩm như hạt sen, khoai lang, dừa… khan hiếm đã đẩy giá tăng cao. Thêm nữa, đường là mặt hàng chiếm 30% thành phẩm cũng tăng giá mạnh; giá nhân công lao động, vận chuyển cũng tăng lên vì vậy, giá mứt tăng là điều không thể tránh khỏi.
Mứt thủ công mất chỗ đứng
Đại diện Công ty bánh kẹo Hải Hà cho biết, trước đây, mứt Tết là mặt hàng chủ đạo trong mùa sản xuất cuối năm. Do xu hướng của người tiêu dùng thay đổi, những năm gần đây, công ty đã giảm dần sản lượng mứt cung cấp ra thị trường. Không chỉ Hải Hà mà nhiều doanh nghiệp khác cũng có chung xu hướng này. Ngay cả các làng nghề làm mứt nổi tiếng như Xuân Đỉnh (Từ Liêm - Hà Nội) cũng dần thu hẹp quy mô sản xuất mứt.
Tại làng Xuân Đỉnh (Từ Liêm - Hà Nội) từ hơn 40 hộ sản xuất hiện chỉ còn chưa tới 10 cơ sở sản xuất mứt Tết cung ứng cho thị trường. Các mặt hàng mứt bí, cà rốt, gừng khó làm trong các nhà máy công nghiệp chỉ có thể sản xuất thủ công vì vậy lượng mứt này trên thị trường chủ yếu của các cơ sở sản xuất mứt tết nhỏ lẻ theo mùa vụ.
Bà Lê Thị Hương Chà - Phó Chủ tịch xã Xuân Đỉnh cho biết: “Việc thị trường mất chỗ đứng là do nhu cầu của người tiêu dùng giảm, những năm gần đây, những hộp mứt tết hầu như chỉ để trưng bày cho có không khí chứ ít người có nhu cầu mua về để ăn hay đãi khách. Các hộ dân làm nghề buộc phải xoay chuyển nghề khác để kiếm sống vì chi phí làm mứt đắt nhưng giá thành bán ra lại quá rẻ. Tôi đang lo ngại, trong tương lai, có thể sẽ mất dần những hộp mứt thủ công”.
Chị Nguyễn thị Thoa - chủ một cơ sở sản xuất mứt tại thôn Đông, Xuân Đỉnh cho biết: “Hiện tại, gia đình tôi sản xuất theo đơn đặt hàng của các Công ty bánh kẹo và các đại lý là chính. Năm trước tết nóng, mứt không bán được nên năm nay nhà tôi chỉ sản xuất dè chừng, nếu so với những năm trước đây đã giảm đến 50% lượng hàng sản xuất. Nhiều hộ không có mối lái từ trước nên bỏ nghề dần, mà cũng vì giờ có nhiều loại bánh kẹo ngon người ta không còn chuộm mứt như xưa, chỉ mua 1, 2 hộp cho có hình thức”.
Những tiêu thương tại chợ Đồng Xuân, điểm đầu mối bán buôn mặt hàng mứt Tết cho rằng nếu các nhà sản xuất không nhanh chóng thay đổi mẫu mã và hương vị, mứt Tết sẽ ngày càng khó tiêu thụ hơn. Các sản phẩm như mứt bí, mứt gừng, mứt dừa và các hộp mứt tại các cơ sở sản xuất thủ công chủ yếu sẽ chuyển về địa phương các tỉnh.
Theo Vietnam+