CôngThương - Những diễn biến phức tạp của thị trường tiền tệ thế giới trong năm 2010, đặc biệt sau khi Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế thứ hai trị giá 600 tỷ USD, cùng với tình trạng lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia có thể dẫn tới việc điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ so với đồng USD ở một số nền kinh tế. Đặc biệt, việc đồng Nhân dân tệ tiếp tục tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ có thể tăng nhẹ do việc Nhân dân tệ tăng giá dẫn tới việc hàng Trung Quốc trở nên đắt hơn. Nhưng đồng USD của Mỹ tiếp tục xu hướng giảm giá cũng sẽ làm cho các hàng hóa nước ngoài vào thị trường Mỹ nói chung, trong đó có hàng hóa Việt Nam, trở nên khó cạnh tranh hơn với hàng hóa của Mỹ.
Bên cạnh đó, cầu ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cùng xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch của các thị trường này sẽ khiến cho xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn hơn trước.
Đồng thời, việc giá USD biến động sẽ khiến cho xu thế dự trữ vàng và các hàng hóa thiết yếu như dầu thô, kim loại quý... tiếp tục gia tăng và gây áp lực tăng giá hàng hóa trong nước.
Về xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ước đạt khoảng 70,8 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2009 và 17% so với kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu năm nay đạt mức khả quan do đóng góp từ tăng cả giá và lượng trước sự phục hồi phần nào của kinh tế thế giới so với năm 2009.
Cụ thể, trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, Dệt May đã vượt 10 tỷ USD kim ngạch, gạo đạt xấp xỉ 3 tỷ USD; thủy sản đạt kim ngạch gần 4,5 tỷ USD; gỗ và sản phẩm vượt 3 tỷ USD... Nhóm còn lại, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh gồm có sắt thép, hóa chất, cao su, phương tiện vận tải, hạt điều… Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô giảm mạnh gần 23%...
Trong năm 2010, giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh so cùng kỳ đã giúp kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 3,4 tỷ USD. Trong khi đó, tính riêng yếu tố tăng lượng giúp cho kim ngạch xuất khẩu tăng 10,3 tỷ USD.
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã và đang có những chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế tạo từ 58,2% lên 62,3% so với cùng kỳ năm 2009 và giảm dần xuất khẩu hàng thô, có giá trị gia tăng thấp từ 15,9% xuống 11,3%.
Đáng lưu ý, trong số các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm 2010, có chỉ tiêu về xuất khẩu. Ước tính cả năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 70 tỉ USD, gấp hơn 3 lần chỉ tiêu Quốc hội đề ra và là nhân tố quan trọng góp phần đưa nhập siêu xuống mức dưới 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Cũng do kết quả này, cán cân thanh toán quốc tế cả năm ước tính thâm hụt khoảng 4 tỉ USD, chưa bằng một nửa so với mức thâm hụt của năm 2009.
Kết quả khả quan trong xuất khẩu năm 2010 không chỉ góp phần vào tăng trưởng GDP cả nước mà còn giúp tiêu thụ hàng hóa, cải thiện đời sống của nhân dân và kết quả này là cơ sở để các cơ quan hữu quan tiếp tục phấn đấu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trong năm 2010, tạo nền tảng thuận lợi cho công tác điều hành, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác xuất nhập khẩu trong năm 2011 và các năm tiếp theo.
Về nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu năm 2010 ước đạt khoảng 82,8 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2009. Trong tổng số 43 mặt hàng vẫn có 6 mặt hàng giảm kim ngạch so với cùng kỳ 2009, đáng chú ý là clinke giảm tới 33%. Tiếp đến là ô tô nguyên chiếc các loại, phân bón, xe máy nguyên chiếc mỗi loại giảm từ 10% đến trên 20%,...
Với các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn, nhóm máy móc, thiết bị và nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng khá mạnh. Đáng chú ý là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; vải; chất dẻo nguyên liệu; nguyên phụ liệu dệt may; xơ, sợi dệt,... tăng rất mạnh, nhưng xăng dầu, phân bón giảm so với cùng kỳ.
Nhập siêu cả năm 2010 ước đạt 12 tỷ USD, trước đó, kế hoạch đưa ra từ đầu năm là khoảng 14 tỉ USD, bằng 16,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mức 22,5% của năm 2009. Cũng như xuất khẩu, giá nhập khẩu bình quân tăng so với cùng kỳ là một trong những nguyên nhân làm tăng kim ngạch nhập khẩu trong năm nay. Đóng góp vào mức tăng 12,7 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu 2010 so với năm 2009, có tới 5,3 tỷ USD tăng do yếu tố giá bình quân tăng, 7,4 tỷ USD tăng do tăng về lượng nhập khẩu.
Giá nhập khẩu bình quân cũng tăng so với cùng kỳ và là một trong những nguyên nhân làm tăng kim ngạch nhập khẩu trong năm nay. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu năm 2010 đã chững lại vào những tháng nửa cuối năm và tiếp tục thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nên tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đã giảm dần.
Nhập siêu tuy đạt mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu nhưng số tuyệt đối dự kiến vẫn ở mức cao, đó là chưa loại trừ đá quý, kim loại quý xuất khẩu. Nhập siêu kéo dài trong nhiều năm đã làm sụt giảm nguồn dự trữ ngoại hối, tăng nợ quốc gia và gây sức ép giảm giá đồng nội tệ. Thâm hụt cán cân vãng lai lớn cùng với thâm hụt ngân sách cao, nợ công có xu hướng tăng nhanh sẽ là những trở ngại lớn cho sự phát triển kinh tế trong những năm sau. Đây là yếu tố chính làm cán cân vãng lai của Việt Nam thâm hụt khoảng 10% so với GDP trong khi theo tiêu chí của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỉ lệ thâm hụt cán cân vãng lai 8% GDP sẽ ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô của Quốc gia.
Để tiếp tục thực hiện hạn chế nhập siêu và khuyến khích xuất khẩu, Bộ Công Thương đã cùng với các bộ ngành liên quan tìm ra các giải pháp hỗ trợ tốt nhất doanh nghiệp. Đó là các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh và mua hàng xuất khẩu thông qua các nhóm hàng đã được quy định, không chịu lãi suất cao như lãi suất thỏa thuận của các loại hình thức kinh doanh khác. Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-BCT về việc triển khai các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu năm 2010; hạn chế lạm phát cao, ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%.
Bộ yêu cầu các bộ, ngành liên quan cùng các hiệp hội, ngành hàng đề xuất và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, khai thác tốt những thị trường hiện có và những thị trường tiềm năng để nâng cao kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản và thủy sản; nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu; xem xét điều chỉnh cơ cấu thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng ưu tiên các dự án sản xuất, trong đó khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu, giảm tỷ trọng các dự án đầu tư vào các lĩnh vực phi sản xuất. Các tập đoàn, TCty rà soát tình hình thực hiện việc nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư nguyên vật liệu trong thời gian qua; xác định các chủng loại máy móc thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước đã sản xuất được bảo đảm chất lượng phù hợp để tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu trong nước; sử dụng tối đa các sản phẩm sản xuất trong nước.
Dự báo xuất nhập khẩu năm 2011: Trên cơ sở ước thực hiện năm 2010 và phân tích các yếu tố tác động đến thương mại quốc tế trong năm tới: Năm 2011, nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi; vốn đầu tư nước ngoài khả quan hơn; các chính sách phát triển thương mại, dịch vụ và thị trường trong nước thuận lợi, kim ngạch xuất, nhập khẩu năm tới sẽ cùng tăng trên 10%.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 dự kiến đạt khoảng 78 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2010, trong đó xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt khoảng 38 tỷ USD, chiếm khoảng 48,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13 % so với năm 2010.
Tổng kim ngạch nhập khẩu năm tới dự kiến khoảng 92 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2010, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 41,5 tỷ USD, chiếm 45% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 15,3% so với năm 2010.
Với tình hình như vậy, nhập siêu năm 2011 dự kiến vào khoảng 14 tỷ USD, thấp hơn 18% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tạp chí Công nghiệp