CôngThương - Điểm sáng của sản xuất công nghiệp năm 2010
Năm 2010, ngành dệt may Việt Nam đã có bước tăng trưởng khả quan với những chỉ tiêu đầy kinh tế thuyết phục. Ngành dệt may đạt kim ngạch XK đạt gần 11,2 tỷ USD, về trước kế hoạch đặt ra 4 năm, đưa ngành dệt may Việt Nam lên Top 5 thế giới về kim ngạch xuất khẩu, tăng 23,2% so với năm 2009. trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 22%, EU đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng 14%, Nhật Bản đạt 1,2 tỷ USD, tăng 20%. Tiêu thụ tại thị trường nội địa có mức tăng trưởng cao. Tỷ lệ nội địa hóa đạt 46%. Với những kết quả trên, hiện, ngành dệt may đang là điểm sáng của sản xuất công nghiệp năm 2010.
Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trong năm 2010 đã đạt sự tăng trưởng vượt bậc: doanh thu toàn Tập đoàn tăng 26%, kim ngạch xuất khẩu tăng 23%, lợi nhuận tăng 23%, tỷ lệ nội địa hóa đạt 49%.
Các thành viên trong Tập đoàn đã chủ động phát triển thị trường nội địa. Doanh thu từ thị trường nội địa năm 2010 toàn Tập đoàn đã đạt trên 15,3 ngàn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2009. Hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, siêu thị thời trang của tập đoàn và các đơn vị thành viên được mở rộng về hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 3.100 đại lý, 56 siêu thị thời trang và hàng trăm cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Năm 2010 cũng đánh dấu thành công của chiến lược phát triển thương hiệu. Một số thương hiệu như Manhattan, San Sciaro (Việt Tiến), Mattana, Novelty (May Nhà Bè), Pharaon, Cleopatre (May 10), Molis (Phong Phú)… đã khẳng định được vị thế, khả năng cạnh tranh với các nhãn hiệu hàng hóa nước ngoài.
Năm 2011- Tập trung mạnh vào chiến lược đầu tư
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam khẳng định, với đà tăng trưởng từ các năm trước, giai đoạn 2011-2015, ngành dệt may sẽ phấn đấu kim ngạch XK đạt từ 18 đến 20 tỷ USD, riêng năm 2011 sẽ đạt khoảng 12,7- 13 tỷ USD.
Tập đoàn sẽ tập trung mạnh vào chiến lược đầu tư: xây dựng những nhà máy trọng yếu của tập đoàn nhất là trong lĩnh vực sản xuất vải và dệt nhuộm; đầu tư máy móc, công nghệ và chuyển dịch các nhà máy về vùng sâu, xa để ổn định lao động cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương; đầu tư phòng kiểm nghiệm sinh thái để kiểm tra đầu vào cũng như đầu ra của sản phẩm dệt may; triển khai những nhà máy có sự đầu tư cốt lõi vào sản phẩm có giá trị thặng dư cao. Đặc biệt năm 2011, Tập đoàn Dệt may Việt Nam định hướng phát triển sản xuất các sản phẩm veston cao cấp bằng việc cho ra đời 4 nhà máy sản xuất mới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã biểu dương những nỗ lực của Tập đoàn Dệt may Việt Nam với những nỗ lực của mình, đã đóng vai trò hết sức quan trọng, là trụ cột để đưa toàn ngành dệt may Việt Nam phát triển.
Để thích ứng với giai đoạn phát triển mới, Phó Thủ tướng yêu cầu, Tập đoàn phải chuyển dịch cơ cấu và mô hình tăng trưởng, từ đầu tư chiều rộng sang đầu tư chiều sâu, đầu tư theo hướng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, công nghệ hiện đại, để tăng năng suất lao động, thực hiện tốt công tác quy hoạch, rà soát quy hoạch, có cơ chế phù hợp để di dời các nhà máy trong nội đô, đây cũng là cơ hội để đầu tư chiều sâu. Phó Thủ tướng yêu cầu, Tập đoàn phải triển khai tốt các chiến lược phát triển đã được Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là chiến lược về nguồn nhân lực, phát triển vùng cây nguyên liệu; đồng thời mạnh dạn đề xuất các cơ chế quản lý phù hợp với Chính phủ để cho ngành dệt may phát triển.
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang đã khẳng định quyết tâm đưa Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói riêng và toàn ngành dệt may Việt Nam nói chung phát triển nhanh và bền vững theo hướng chuyển dịch từ gia công sang xuất khẩu FOB, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và vùng nguyên liệu trồng bông, nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thay mặt Chính phủ tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam và 9 đơn vị thành viên của Tập đoàn.