Theo tính toán, kim ngạch XK trong quy hoạch chế biến thủy sản XK giai đoạn 2011 - 2015 sẽ đạt 6,5 tỷ USD; sản lượng thủy sản chế biến XK đạt 1.620 ngàn tấn, tốc độ tăng bình quân lần lượt là: 7,63% và 4,66% năm. Đến giai đoạn 5 năm tiếp theo, giá trị kim ngạch XK và sản lượng chế biến XK cũng tăng lên tương ứng, đạt 8 tỷ USD và 1.900 ngàn tấn, tốc độ tăng bình quân là 4,24 và 3,24%/ năm. Như vậy, nếu tính theo quy hoạch, tốc độ tăng bình quân về giá trị kim ngạch XK là 5,92% và sản lượng thủy sản XK là 3,92%/năm. Tương tự, giá trị và sản lượng chế biến thủy sản nội địa trong 2 mốc 2015 và 2020 sẽ đạt 27.000 tỷ đồng; 780 ngàn tấn và 34.210 tỷ đồng; 940 ngàn tấn.
Bà Trần Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Quy hoạch Thủy sản cho biết, để đạt được những mục tiêu trên, trước mắt, đối với việc đầu tư nâng cấp các nhà máy chế biến thủy sản, xây dựng kho lạnh sản xuất và thương mại, nhà nước cần bố trí nguồn vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, các địa phương cần ưu tiên dành quỹ đất, trung ương cấp 30% vốn ngân sách để xây dựng hạ tầng chợ thủy sản đầu mối quốc gia. Bà Dung phân tích, các nước và khu vực thị trường XK chính vẫn là Mỹ, EU và Nhật Bản. Riêng với thị trường Mỹ, đến năm 2020 triển vọng phát triển các loại sản phẩm như: tôm, cá hồi, cá rô phi và cá da trơn sẽ là những mặt hàng tiêu thụ chính. Ngoài 2 thị trường truyền thống khác là EU và Nhật Bản, các thị trường mới nổi như: Trung Quốc, Nga, Trung Đông, Nam Mỹ… còn nhiều tiềm năng vì dân số lớn và kinh tế phát triển nhanh.
Với kịch bản này nếu được phê duyệt thì sẽ giải quyết được bài toán nguyên liệu vì hiện nay, hoạt động chế biến thủy sản còn gặp phải những bất lợi về nguồn nguyên liệu. Mặt khác sẽ khắc phục được hiện trạng về chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đang còn nhiều tồn tại như: thiếu quy hoạch; công nghệ, trang thiết bị máy móc chế biến nông lâm thủy sản phần lớn là cũ và lạc hậu, các dây chuyền công nghệ sản xuất mới còn ít; chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường; công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập.
Trong những năm qua, công bằng mà nói, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã lắng nghe phản ánh của các doanh nghiệp thuỷ sản nhiều hơn. Các chính sách và giải pháp quản lý được đặt ra linh hoạt hơn, đáp ứng yêu cầu của sản xuất kinh doanh, chẳng hạn hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ và nông dân nuôi trồng thủy sản, nhanh chóng tham gia làm thành viên của Tổ chức Quản lý Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương, triển khai đăng ký sản phẩm khai thác biển đáp ứng yêu cầu chống sản phẩm khai thác bất hợp pháp của EU, khởi kiện ra WTO về việc Hoa Kỳ áp dụng cách tính thuế chống bán phá giá tôm bất hợp lý đối với Việt Nam, điều chỉnh chính sách thuế NK nguyên liệu thuỷ sản dành cho chế biến…
Các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn như Cục Thú y, Nafiqad, Cục Chế biến Thương mại Nông Lâm Thuỷ sản và Nghề muối… cũng tôn trọng ý kiến DN hơn khi xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách và văn bản quản lý mới đã giúp sản phẩm thủy sản xuất khẩu vượt qua những chông gai. Mới đây việc kiên quyết đấu tranh với WWF trong vụ 6 nước châu Âu xếp cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ, đã đưa đến kết quả Tổ chức này chính thức ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác, nhằm đưa cá tra Việt Nam trở thành loài thủy sản có chứng nhận phát triển bền vững toàn cầu. Tuy nhiên các loại sản phẩm thủy sản Việt Nam ra thị trường thế giới vẫn đối mặt nhiều nguy cơ rủi ro rình rập với những cái bẫy tương tự như cá tra đã mắc phải.
Để XK thành công, tận dụng những cơ hội đang được dự báo sáng sủa trong năm 2011 với kim ngạch cao hơn năm 2010 các doanh nghiệp và ngành thủy sản cần có những bước đi thận trọng trong đó chú trọng các yếu tố đến phát triển bền vững từ nuôi trồng, khai thác, chế biến tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ môi trường trong việc xây dựng cũng như trong quá trình hoạt động của các cơ sở chế biến.
Hiền Thư