Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 31 tỷ USD
Ngành dệt may Việt Nam kết thúc năm 2017 với những kết quả bứt phá |
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 25,91 tỷ USD, tăng 8,7%; xuất khẩu sơ sợi ước đạt 3,51 tỷ USD, tăng 19,9%; xuất khẩu vải không dệt đạt 472 triệu USD, tăng 13,73%; xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 17,3%. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 18,91 tỷ USD, tăng 11,43% so với năm 2016.
Hoa Kỳ vẫn đứng đầu thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam với 48,3% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 12,53 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2016. 3 trọng tâm xuất khẩu còn lại là EU, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, năm 2017 đánh một dấu mốc quan trọng của ngành dệt may Việt Nam khi lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu sản phẩm may mặc sang thị trường Trung Quốc, dự kiến năm 2018 sẽ xuất khẩu được nhiều hơn. 8 mặt hàng xuất khẩu chủ lực ước đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD….
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của doanh nghiệp ngành dệt may vượt qua các khó khăn, toàn ngành đạt được những kết quả tốt đẹp. Vượt qua những thách thức của năm 2017, năm 2018, ngành dệt may Việt Nam sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi. Dự kiến EVFTA, CPTPP sẽ được ký kết, sẽ là đòn bẩy quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi rộng mở thị trường cho ngành dệt may.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị các doanh nghiệp dệt may tiếp tục nỗ lực, phát huy những thành quả đạt được, song song với đó phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế của ngành dệt may như phát triển mất cân đối ở các công đoạn sản xuất, nâng cao tỷ lệ may xuất khẩu theo phương thức ODM, OBM, giảm dần tỷ lệ CMT; đầu tư phát triển nguồn nhân lực dệt may chất lượng cao, chuyên nghiệp, đầu tư công nghệ nâng cao năng suất lao động… Xác định đúng mục tiêu, giải pháp phù hợp để ngành phát huy hết lợi thế của mình để đạt mục tiêu đã đặt ra. Đồng thời khẳng định, Bộ Công Thương sẽ lắng nghe và đồng hành cùng doanh nghiệp và hiệp hội dệt may giải quyết kịp thời các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp dệt may phát triển.
Doanh nghiệp dệt may bước vào năm 2018 với nhiều tín hiệu tích cực |
Tiếp thu các ý kiến của Thứ trưởng, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng kiến nghị Thứ trưởng Bộ Công Thương 10 điểm, tập trung vào quy hoạch ngành, thông tin liên quan đến các FTA, thuế nhập khẩu của xơ polyester, kiểm soát cơ chế nhập khẩu, chống trượt giá, thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp dệt may còn vốn nhà nước, phát triển nguồn cung đang thiếu hụt của ngành….
Năm 2018, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 33,5 tỷ USD; tập trung đầu tư tái cơ cấu nội bộ ngành, áp dụng công nghệ tiên tiến để tự cân đối dần các khâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chuyển dịch sản xuất theo vùng lãnh thổ; tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp dệt may trong nước với nhau, doanh nghiệp trong nước với đầu tư nước ngoài; khai thác thị trường truyền thống song song khai thác thị trường mới; đẩy mạnh hàng FOB, ODM….
Tại hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may cũng trao đổi thảo luận về các triển vọng đối với Hiệp định CPTPP, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành công nghiệp dệt may, tọa đàm trao đổi các khó khăn và giải pháp hoạt động của các doanh nghiệp trong năm 2018.