Giết mổ gia cầm trên nền nhà dơ bẩn tại TP. HCM sẽ không còn tồn tại sau năm 2020 |
Theo đó, yêu cầu 95% cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ có lượng nước thải trên 10m3/ngày đêm trở lên phải có hệ thống xử lý đạt quy chuẩn về môi trường và nơi sản xuất phải đảm bảo 100% sạch sẽ.
Hiện TP.HCM môi trường đang bị ô nhiễm nặng bởi khí thải, nước và rác thải sinh hoạt, nước và chất thải rắn của cơ sở sản xuất, nhà máy. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, chỉ riêng lượng rác thải sinh hoạt, người dân thành phố mỗi ngày hiện đang thải ra môi trường khoảng 7.500 tấn. Việc xử lý ô nhiễm môi trường ở TP. HCM đang gặp nhiều khó khăn, tốn kém mặc dù nhiều biện pháp đã và đang được triển khai.
Trong mấy ngày qua, người dân sống ở khu vực Nam TP.HCM đang phải vật lộn với mùi hôi của cống rãnh, bãi rác nằm gần kề và tình trạng hôi thối vẫn chưa có điểm dừng. Bà Lâm Thị Tuyết, cư dân sống ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) bức xúc, gần đây người dân khu vực quận 7 bị mùi hôi tra tấn cả ngày lẫn đêm. Mùi hôi từ các ao hồ, cống rãnh, và bãi rác Đa Phước bốc mùi nồng nặc mỗi khi có gió thổi mạnh.
Để bảo vệ môi trường, hiện mỗi ngày TP.HCM đã chi 3 tỷ đồng để xử lý 2.000 tấn rác đưa về bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh. Công đoạn xử lý rác ở Đa Phước một phần đốt bỏ, phần còn lại chôn lấp và bãi rác khổng lồ này hiện đang bị quá tải.
Môi trường TP.HCM đang bị ô nhiễm bởi khí thải của phương tiện, nước thải và rác sinh hoạt, chất thải rắn và nước thải của các nhà máy, xí nghiệp. Theo kế hoạch xử lý và bảo vệ môi trường của TP.HCM từ năm 2016-2020, mục tiêu là các cấp, các ngành và người dân tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải, nâng cao chất lượng sống của người dân, gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp và bền vững.
Theo đó, từ nay đến năm 2020 toàn thành phố sẽ phấn đấu: có 95% cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ có lưu lượng nước thải từ 10m3/ngày đêm trở lên phải có hệ thống xử lý đạt quy chuẩn về môi trường; 100% KCN, KCX, Cụm CN có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động nối đường truyền về cơ quan quản lý để giám sát. Tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị phải đạt 55% được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Giảm 70% ô nhiễm về không khí; 90% nguồn khí thải công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
Một cơ sở sản xuất chà bông (ruốc) trái phép trên nền ngập tràn chất bẩn ở quận Bình Tân, TP.HCM bị cơ quan chức năng lập biên bản và buộc phải đóng cửa |
Đối với các chất thải rắn đô thị, chất thải nguy hại, chất thải y tế, TP. HCM phấn đấu đạt 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý hợp vệ sinh. Chất thải nguy hại, chất thải y tế được lưu giữ, thu gom, vận chuyển xử lý tái chế và tái sử dụng.
Để giải quyết bài toán này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho biết, thành phố sẽ áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (như tái chế, làm phân compost, đốt) đạt 40%, chôn lấp hợp vệ sinh 60% tổng lượng chất thải. Xây dựng 100% số bãi rác chôn lấp chất thải, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh; giảm 65% lượng túi ni-lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại; giảm 50% lượng túi ni-lông tại các chợ dân sinh, thu gom và tái chế 55% lượng túi ni-lông khó phân hủy ngoài môi trường so với năm 2010.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ tìm phương án để giảm thiểu 90% mức độ ô nhiễm nước mặt; 100% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới về tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh đạt trên 40%; sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới đạt 1,74% tổng công suất tiêu thụ điện năng. Phấn đấu 85% người dân áp dụng những hành vi bảo vệ môi trường đơn giản trong sinh hoạt, 100% người dân hiểu biết, có kiến thức ứng phó, thích nghi, sống chung với biến đổi khí hậu.