Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.
CôngThương - Quan điểm của Chiến lược “Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030”là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế; chú trọng du lịch quốc tế đến; tăng cường quản lý du lịch ra nước ngoài. Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc; gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.
Theo đó, 4 mục tiêu cụ thể của chiến lược: Một là, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch bình quân thời kỳ 2011 - 2020 đạt 11,5 - 12% năm. Hai là, năm 2012, Việt Nam đón 7 - 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 36 - 37 triệu lượt khách du lịch nội địa; Tổng thu từ khách du lịch đạt 10 - 11 tỷ, USD đóng góp 5,5 - 6% vào GDP cả nước; có tổng số 390.000 buồng lưu trú với 30 - 35% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao, tạo ra 2,2 triệu việc làm trong đó có 620.000 lao động trực tiếp du lịch. Ba là, năm 2020, Việt Nam đón 10 - 10,5 triệu khách du lịch quốc tế và 47 - 48 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 18 - 19 triệu USD, đóng góp 6.5 - 7% GDP cả nước; có tổng 580 .000 buồng lưu trú phòng với 35 - 40 % đạt chuẩn từ 3 sao đến 5 sao; tạo ra 3 triệu việc làm trong đó có 870.000 lao động trực tiếp du lịch. Bốn là, năm 2030 tổng thu từ khách du lịch tăng gấp 2 lần năm 2020.
Các giải pháp để thực hiện mục tiêu bao gồm: Phát triển sản phẩm du lịch; Phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; Phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch; Đầu tư chính sách phát triển du lịch; Hợp tác quốc tế về du lịch; Quản lý Nhà nước về du lịch.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết vào cuối năm 2015 và tổng kết vào cuối năm 2020.
Ông Nguyễn Mạnh Cường- Phó Tổng cục trưởng- Tổng Cục du lịch cho biết, nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược “Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030”, năm 2012 Tổng cục Du lịch sẽ triển khai quán triệt cho các địa phương về chiến lược, liên quan đến quy hoạch, thiết kế sản phẩm, quản lý, cơ chế chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự chuyển biến về nhận thức đồng bộ từ lãnh đạo ngành đến người dân về thực hiện chiến lược. Ngoài ra, việc thực hiện chiến lược quy hoạch du lịch sẽ tiến hành theo vùng, chứ không mơ hồ, dàn trải, phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội.