Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2019 giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 11,2 tỷ USD (đạt 107% so với kế hoạch, kế hoạch giao 10,5 tỷ USD), tăng 20% so với năm 2018. Bên cạnh đó, thu dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt trên 2.800 tỷ đồng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2019 đạt 5%, tỷ lệ che phủ rừng khoảng 41,85% (tăng 0,2% so với năm 2018), đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2019. Đã trồng được hơn 239 triệu ha rừng, đạt trên 112% kế hoạch, trồng 63,5 triệu cây phân tán, đạt gần 108% kế hoạch, khai thác gỗ rừng đạt sản lượng 19,5 triệu tấn, hoàn thành kế hoạch năm 2019.
Năm 2020, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 12,5 tỷ USD |
Trong năm 2019, ngành lâm nghiệp cũng triển khai hàng loạt nhiệm vụ quan trọng nhằm thực thi Luật Lâm nghiệp và tái cơ cấu ngành, hướng tới ngành kinh tế xanh bền vững. Trong đó, thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đón nhận tin vui khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 50 của Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng châu Âu (PEFC).
Năm 2020, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng 42%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp 5-5,5%; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 12,5 tỷ USD; khai thác rừng trồng tập trung 20,5 triệu m3; thu dịch vụ môi trường rừng 2.800 tỷ đồng.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, hiện xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam dựa phần lớn vào thị trường Mỹ và Trung Quốc, trong đó, xuất khẩu vào Mỹ chiếm xấp xỉ 51%, Trung Quốc 10,5% giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục có những bất ổn nên tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường với xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đòi hỏi ngành lâm nghiệp năm 2020 phải đặc biệt chủ động nắm bắt, tìm hiểu để có những quyết sách, chiến lược điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT - Hà Công Tuấn - nêu rõ, mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng ngành lâm nghiệp cũng phải nhận dạng những tồn tại hạn chế cũng như những thách thức trong giai đoạn tới để phát triển ngành ổn định và hiệu quả. Theo đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi công khai minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cả trong lĩnh vực quản lý và sản xuất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, cần tập trung giải quyết thị trường gắn với việc quản lý sản xuất theo chuỗi quản, nâng cao chất lượng giống thâm canh để chuyển gỗ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn phục vụ chế biến trong nước và xuất khẩu.